Lối sống căn cơ lên ngôi - tiết kiệm là thượng sách ở Trung Quốc
Bùng nổ kinh tế, lối sống hưởng thụ cũng bùng nổ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi, lối sống căn cơ lên ngôi, tiết kiệm là thượng sách.
Thế hệ "hai thu nhập, không con cái"
Sau những thập kỷ bùng nổ kinh tế mang lại sự thịnh vượng thì trong xã hội Trung Quốc xuất hiện xu hướng xa xỉ, ưa lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân. Điều này dẫn đến phản ứng trong xã hội và phía chính quyền rằng, cần phải có sự điều chỉnh lại các giá trị trong xã hội trước những hiện tượng đi xa truyền thống. Chẳng hạn như sự xuất hiện của các hộ gia đình thu nhập tốt nhưng không muốn có con cái, được gọi là thế hệ DINK (viết tắt của cụm từ tiếng Anh là double income, no kids) - tức là hộ gia đình có 2 nguồn thu nhập từ vợ và chồng, nhưng không con cái.
Theo thống kê, hiện có nửa triệu cặp vợ chồng thuộc thế hệ DINK - thu nhập gấp đôi, không có con cái ở Trung Quốc. Các cuộc điều tra dân số chính thức từ năm 1980 đến năm 2010 cho thấy, các hộ gia đình DINK đã tăng lên từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.
Quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 40 năm qua. Tuy nhiên, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc chi phí nhà cửa, giáo dục và chăm sóc con cái tăng vọt. Đó cũng là lý do khiến một bộ phận giới trẻ nước này không muốn sinh con để có thể tập trung cho sự nghiệp và hưởng thụ cuộc sống cá nhân hơn.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 2 ở thủ đô Bắc Kinh cho thấy, cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp chọn không sinh con. Trong số đó, 39% cho biết việc nuôi dạy con cái mất quá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ, 18,6% không muốn có con vì lý do kinh tế và 16,7% cho biết họ quá bận rộn với công việc nên chọn cách không sinh con.
Lối sống căn cơ lên ngôi - tiết kiệm mới là "ngầu"
Thời thế bây giờ đã khác. Các vấn đề trong nền kinh tế hiện nay và chủ trương của nhà nước đang kéo chậm xu hướng "tiêu xài xa hoa quá mức" ở Trung Quốc. Mua xe, mua nhà, ăn sang hay du lịch nước ngoài… không còn là ưu tiên.
Không làm móng, không làm tóc, chỉ dùng mỹ phẩm nội địa, giảm cả việc đi xem phim rạp là một số thứ thay đổi trong xu thế tiêu dùng mới của người trẻ Trung Quốc. Theo phân tích của các chuyên gia, mức độ giảm tiêu dùng ở người trẻ Trung Quốc hiện nay là lớn nhất kể từ hơn 1 thập kỷ qua. Theo thăm dò của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, gần 60% người Trung Quốc giờ muốn tiết kiệm hơn là tiêu dùng hay đầu tư. Cách đây 3 năm, con số này mới là 45%.
Một cô gái đã chia sẻ hơn 100 video trên mạng hướng dẫn cách làm bữa tối chỉ mất 10 Nhân dân tệ, tức 33 nghìn VNĐ, hàng trăm nghìn người đã đăng ký theo dõi.
Lối sống căn cơ, chia sẻ sự thịnh vượng cho toàn xã hội thực ra đã được khuyến khích một cách chính thức ở Trung Quốc thời gian gần đây.
Sau một vài thập niên kinh tế phát triển nhảy vọt, nhiều giá trị đạo đức bị lệch chuẩn, nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Đó là lý do Trung Quốc - một nước đậm chất Á Đông - muốn chấn chỉnh, xây dựng những giá trị đạo đức cơ bản của xã hội. Đi đâu đến các nhà hàng, quán ăn cũng rộ lên phong trào guangpanxingdong - nghĩa là ăn hết đĩa, ăn sạch thức ăn. Nét đẹp về tiết kiệm, tích cốc phòng cơ thời khó khăn được nêu bật. Nó đánh vào một bộ phận người mới giàu ăn uống thừa mứa, lãng phí.
Mới đây nhất, Cục quản lý thị trường Trung Quốc ra quân kiểm tra, xử phạt những doanh nghiệp, điểm bán bánh Trung thu xa xỉ nhân bào ngư, vi cá, hộp dát vàng… nếu 1 hộp mà giá trị hơn 500 Nhân dân tệ, tức 1 triệu 750 ngàn thì sẽ bị phạt. Bởi Tết Trung thu là tết đoàn viên quây quần bên gia đình, người thân ăn bánh, ngắm trăng chứ không phải sặc mùi vật chất, đổi chác.
Điều chỉnh lại những giá trị cơ bản
Hơn 1 năm nay, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã triển khai chiến dịch thanh lọc mạng xã hội, trong đó có quy định cấm nghệ sĩ khoe của, khoe cuộc sống xa hoa hưởng lạc. Cơ quan này lý luận, quan niệm tôn sùng tiền bạc, ham hưởng thụ hơn là lao động chân chính của một bộ phận người nổi tiếng sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ bắt chước rồi bất chấp tất cả để làm giàu, hưởng thụ. Một loạt nghệ sĩ nổi tiếng vi phạm pháp luật không chuẩn mực về đạo đức, lối sống bị phong sát - tức cấm sóng.
Các tỷ phú ngành công nghệ giàu nhanh chóng nhờ chính sách, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã chấn chỉnh, trong đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, của người giàu với cộng đồng xã hội. Doanh nghiệp, tỷ phú phải đầu tư nhiều vào vùng nông thôn, vùng khó khăn, chứ không chỉ chăm chăm vào kiếm lợi nhuận ở những vùng béo bở; hay đưa ra những quy định nâng cao thu nhập, đời sống cho công nhân, người lao động. Nỗ lực đó cũng nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, hướng tới xây dựng một xã hội thịnh vượng chung.
Hội chứng sợ xã hội (rối loạn lo âu xã hội) đã trở thành cụm từ thông dụng trong những năm gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và Zhihu.