Lợi nhuận Thủy sản Nam Việt chạm đáy 6 năm

Chia sẻ Facebook
26/01/2024 04:31:43

Năm 2023, doanh thu thuần của Thủy sản Nam Việt đạt 4.439 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng; giảm lần lượt 9% và 94% so với cùng kỳ năm trước.


Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với nhiều chỉ số sụt giảm, báo hiệu một năm kinh doanh không mấy tích cực của doanh nghiệp ngành thủy sản này.


Theo đó, quý IV/2023, doanh thu thuần của Nam Việt  đạt 1.111 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty bị bào mòn mạnh, giảm 51% so với quý IV/2022 còn 996 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính lao dốc từ 36 tỷ đồng tại quý IV/2022 xuống còn 7 tỷ đồng trong quý IV/2023, sụt giảm tới 81% do lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỉ giá phát sinh đi xuống.


Ở chiều ngược lại, Nam Việt đã tiết giảm được tất cả các khoản chi phí trong kỳ. Trong đó, chi phí tài chính đạt 46 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 54 tỷ đồng; giảm lần lượt 33% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Thủy sản Nam Việt lỗ 517 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 107 tỷ đồng.


Lũy kế cả năm 2023, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.439 tỷ đồng, giảm 9%. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty “bay hơi" tới 94% chỉ còn 42 tỷ đồng; chạm đáy lợi nhuận từ năm 2027.


Năm 2023, Nam Việt đề ra mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã không thể hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra cho cả năm.


Về tình hình tài chính của công ty, tổng tài sản tại cuối năm 2023 đạt 5.110 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, chủ yếu là hàng tồn kho.


Ngoài ra, khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của công ty cũng được rút ngắn xuống còn gần 72 tỷ đồng, giảm 80%. Trong đó bao gồm khoản tiền gửi có kỳ hạn trị giá hơn 61 tỷ đồng đã được thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay của công ty tại các ngân hàng và thực hiện hợp đồng.


Tính đến cuối năm 2023, dư nợ của Nam Việt ở mức 2.260 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu kỳ. Trong đó, vay tài chính đạt 1.883 tỷ đồng, chiếm 83% tổng nợ phải trả.


Trong các tranh chung toàn ngành, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định, năm 2023, xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn và lạm phát toàn cầu.


VASEP cho biết, năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu: Diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD.


Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước .

Chia sẻ Facebook