Lợi nhuận quý I/2023 của Container Việt Nam giảm 61%
Sau 3 tháng đầu năm, CTCP Container Việt Nam hoàn thành 21,3% kế hoạch lợi nhuận năm và 20% kế hoạch doanh thu.
CTCP Container Việt Nam (HoSE: VSC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, ghi nhận doanh thu đạt 463 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 43 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 34,6% về còn 29,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 136 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng thêm 28 tỷ đồng, lên 28 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 37%, tương ứng tăng thêm hơn 15 tỷ đồng, lên hơn 56 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, lợi nhuận trong quý đầu năm 2023 giảm chủ yếu do lợi nhuận gộp suy giảm, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Công ty cho biết chi phí tài chính tăng đột biến do chi phí lãi vay ghi nhận 27,77 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Được biết, trong năm 2023, công ty này đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,1% và giảm 45,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Tính tới 31/3, tổng tài sản của Container Việt Nam tăng 1,2% so với đầu năm, lên 4.420 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dài hạn khác ghi nhận 916 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 827 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận gần 781 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 599 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 486 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Nợ phải trả của VSC tăng 18% so với thời điểm đầu năm, tương đương 214 tỷ đồng, đạt múc 1.379 tỷ đồng. Trong đó có tới 700 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn, 208 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, 246 tỷ đồng là nợ phải trả ngắn hạn khác.
Ở cuối quý I, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ 5% so với thời điểm đầu năm, đạt mức 3.041 tỷ đồng, trong đó có 504 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
CTCP Container Việt Nam hiện đang khai thác 2 cảng tại Tp.Hải Phòng là cảng Green Port và cảng VIP Green, với tổng chiều dài cầu cảng 750m, tổng sản lượng xếp dỡ đạt hơn 1.1 triệu TEUs/năm, hai cảng đều đang khai thác tốt đa công suất.
Trong đó, cảng Green Port nằm tại khu vực thượng nguồn (phía sau cầu Bạch Đằng), tổng chiều dài 350m, sản lượng khai thác đạt hơn 300,000 TEUs/năm. Cảng VIP Green là cảng chủ lực của VSC, đóng góp chính vào doanh thu khai thác cảng, nằm tại khu vực hạ nguồn sông Cấm, tổng chiều dài 400m, sản lượng khai thác đạt hơn 700,000 TEUs/năm.
Ngoài các cảng trực tiếp quản lý, VSC còn đầu tư vào các cảng biển ở khu vực hạ nguồn sông Cấm như Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (PTSC - Đình Vũ) với số vốn góp 22%; Cảng VIMC Đình Vũ là 36%.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Container Việt Nam đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán 121,27 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.212,7 tỷ đồng và thời gian dự kiến trong năm 2023.
Động thái này nằm trong kế hoạch nhằm nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh với kế hoạch M&A tham vọng. Cụ thể, VSC vừa công bố thông tin về việc đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Doanh nghiệp cho biết, tổng mức đầu tư vào dự án này dự kiến là 2,225 tỷ đồng. Trong đó, trong đó 1,200 tỷ đồng huy động từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông, phần còn lại (1,050 tỷ đồng) doanh nghiệp sẽ huy động từ nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng.
Cảng Nam Hải Đình Vũ đi vào hoạt động từ năm 2014, công suất 550,000 TEUs/năm, chiều dài cầu tàu 450m, tiếp nhận cỡ tàu lên đến 48,000 DWT và diện tích bãi CY (Container Yard) là 200,000m2. Sau khi thương vụ thành công, VSC có thể trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất tại khu vực Hải Phòng với tổng chiều dài cầu tàu 1,200m, tổng công suất khai thác có thể lên đến hơn 2 triệu TEUs/năm .