Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh sau soát xét

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:39:11

Sau kiểm toán bán niên, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn bất ngờ sụt giảm mạnh lợi nhuận so với báo cáo tự lập như Kinh Bắc, Thaiholdings...


Thống kê của Người Đồng Hành cho thấy, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên soát xét có những thay đổi so với báo cáo tự lập. Một số doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng giảm lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ đang có lãi sang lỗ.


Lợi nhuận bất ngờ tuột dốc

Một trường hợp gây nhiều chú ý nhất mùa soát xét bán niên năm nay là Phát triển Đô thị Kinh Bắc ( HoSE: KBC ). Kinh Bắc công bố BCTC soát xét bán niên với lãi ròng 115 tỷ đồng, giảm 2.258 tỷ đồng, tương ứng giảm 95% so với con số trước đó.

Nguyên nhân do loại bỏ lợi nhuận từ khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này được ghi nhận đến 2,5 ngàn tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư chỉ 96 tỷ đồng.

Kinh Bắc cho biết do giao dịch nêu trên có tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung như những gì công ty đã công bố. Vì vậy, trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch này. Việc hoàn tất các nghiệp vụ kế toán sẽ được thực hiện ngay sau khi kiểm toán hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào BCTC hợp nhất trong năm 2022.

Kinh Bắc giảm mạnh lợi nhuận sau soát xét. Hình minh họa.


Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng ghi nhận sụt giảm mạnh lợi nhuận sau soát xét như Tập Đoàn Danh Khôi ( HNX: NRC ) hay Thaiholdings ( HNX: THD ).

Danh Khôi giải trình lợi nhuận bán niên sau soát xét giảm một nửa còn 51 tỷ đồng do điều chỉnh chi phí quản lý doanh nghiệp tăng và doanh thu tài chính giảm.

Với Thaiholdings, lãi ròng bán niên giảm 30% sau soát xét còn 181 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu tài chính điều chỉnh giảm 94 tỷ đồng. Thaiholdings cho biết nguyên nhân là CTCP Tôn Đản Hà Nội được sở hữu chéo bởi Tập đoàn Thaigroup và Thaiholdings dẫn đến quan điểm giữa kế toán (của Thaiholdings) và đơn vị kiểm toán có sự khác nhau khi Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Tôn Đản Hà Nội.

Một số doanh nghiệp sụt giảm mạnh lợi nhuận sau soát xét bán niên. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Bạch Khôi tổng hợp.


Chuyển lãi thành lỗ hoặc thua lỗ nặng hơn

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn bất ngờ chuyển thành kết quả thua lỗ tại BCTC soát xét như DNM, POM , TGG , MAC ...

Ví dụ trường hợp của Danameco ( HNX: DNM ), trước kiểm toán, doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang đã ghi nhận doanh thu 196,8 tỷ đồng, lãi sau thuế là 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau soát xét công ty lỗ 25,5 tỷ đồng sau thuế. So với kết quả cùng kỳ năm 2021, mặc dù doanh thu tăng 32,6% nhưng giá vốn hàng bán tăng cao cùng kỳ và chi phí tài chính tăng khiến công ty không thể đạt mức có lãi như năm 2021. Đáng chú ý nhất trong các khoản mục thay đổi sau soát xét là giá vốn hàng bán tăng 22,6% lên 186,4 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp giảm 90,6% còn 4,2 tỷ đồng.

Giải trình về việc lỗ trong nửa đầu năm nay, phía Danameco cho rằng sau khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn ra, các khách hàng quốc tế mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng sản xuất vật tư y tế. Vì vậy, công ty đã tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để đẩy mạnh sản xuất khiến giá vốn tăng cao.

Ngoài việc chuyển từ lãi sang lỗ, Danameco còn nhận thêm một loạt ý kiến ngoại trừ. Đáng chú ý trong đó, đơn vị kiểm toán chỉ ra công ty chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức vào ngày 28/6 với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 30/6 là hơn 2,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền công ty đã trả vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6,1 tỷ đồng.

Danameco tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để đẩy mạnh sản xuất khiến giá vốn tăng cao. Hình minh họa.


Sau soát xét, chi phí quản lý doanh nghiệp của Louis Capital ( HoSE: TGG ) gấp 3,2 lần lên 54,4 tỷ đồng do phải trích lập thêm 28,8 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Vì vậy, Louis Capital lỗ ròng 18,2 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi ròng 9,6 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do công ty đã bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất vào công ty con, phân bổ hết lợi thế thương mại của một công ty con do có dự định chuyển nhượng cổ phần một công ty con trong năm 2022, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của công ty con.

Ngoài ra, trong báo cáo kiểm toán viên còn nhấn mạnh và lưu ý về số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ của Louis Capital tại ngày 1/1 có một phần lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong năm 2021, liên quan đến cổ phiếu BII của Louis Land ( HNX: BII ) và một số cổ phiếu khác.

Một số doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ sau soát xét bán niên. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Bạch Khôi tổng hợp.


Nhiều doanh nghiệp như VKC , DLG , CIG , SMT , AGM ... cũng chứng kiến mùa soát xét bán niên kém tích cực.

VKC Holdings ( HNX: VKC ) bị tăng lỗ từ 24,6 tỷ đồng lên trên 191 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do trích lập dự phòng các nợ khó đòi và phải thu khách hàng quá hạn. Công ty còn khoản chi phí khác do xử lý hàng tồn ko thiếu không xác định được nguyên nhân.

Tình cảnh của Sametel ( HNX: SMT ) và Angimex ( HoSE: AGM ) cũng tương tự khi con số lỗ sau soát xét gấp 2-3 lần.

Trong hệ sinh thái của Louis Holdings, Louis Capital đã thoái vốn khỏi VKC Holdings vào cuối năm 2021. Mới đây, Louis Holdings tiếp tục thoái toàn bộ vốn khỏi Louis Capital ( HoSE: TGG ) và Angimex, đăng ký thoái vốn ở Sametel.

Một số doanh nghiệp lỗ nặng hơn sau soát xét bán niên. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Bạch Khôi tổng hợp.


Tăng lợi nhuận sau soát xét

Mặt khác, có những doanh nghiệp lại nhận kết quả tốt hơn sau kiểm toán báo cáo, như trường hợp của VCM , PGT , LDG , VMD ...

Tỷ lệ lợi nhuận thay đổi ấn tượng nhất ghi nhận ở Vinaconex MEC ( HNX: VCM ). Công ty có lãi ròng 135 triệu đồng, gấp gần 8 lần so với nền thấp tại báo cáo tự lập. Nguyên nhân là Vinaconex MEC đối chiếu và hạch toán bổ sung thu nhập khác.

Đầu tư LDG ( HoSE: LDG ) đạt lãi ròng 37 tỷ đồng, tăng 164% (gấp 2,6 lần) so với tại báo cáo tự lập. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 222,6 tỷ đồng, tăng gần 60%. Giá vốn hàng bán tăng 67,6% lên 125 tỷ đồng giúp biên lãi gộp tăng 50,2% đạt 97,6 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía LDG, lợi nhuận 6 tháng sau soát xét tăng là do điều chỉnh của đơn vị kiểm toán liên quan đến ghi nhận doanh thu cho bất động sản phân lô bán nền theo hướng dẫn của Thông tư 200/2014.

Một số doanh nghiệp tăng mạnh lợi nhuận sau soát xét bán niên. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Bạch Khôi tổng hợp.


Ngoài ra, ghi nhận rất ít doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi sau soát xét và giá trị chênh lệch tuyệt đối cũng không đáng kể.

Câu chuyện thay đổi lợi nhuận đáng kể sau soát xét vẫn luôn diễn ra. Theo quy định, các doanh nghiệp đã giải trình nguyên do thay đổi, song những biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và cổ đông. Ví dụ như khi doanh nghiệp bất ngờ thua lỗ sau kết quả soát xét, cổ phiếu của doanh nghiệp đó phải đối diện nguy cơ bị loại khỏi danh sách giao dịch ký quỹ (cắt margin) theo quy định.

Chia sẻ Facebook