Lời kể về 7 ngày sống sót kỳ diệu của người phụ nữ bị rơi xuống vực sâu ở Yên Tử
Bị rơi xuống mỏm đá duy nhất của vách núi, bà Nguyễn Thị Bích Liên cho biết đã tằn tiện dùng số lương thực ít ỏi để duy trì sự sống, hy vọng sẽ có người phát hiện.
7 ngày sinh tồn nhờ gói cơm cháy, nước uống dở, lá cây dương xỉ và củ lạc tiên
Như tin đã đưa, bà Nguyễn Thị Bích Liên (sinh năm 1963, trú tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã được cứu sống sau 7 ngày rơi xuống vực sâu 30m tại khu vực Chùa Đồng – Yên Tử và bị mắc kẹt tại đây.
Kể về hành trình sống sót kỳ diệu này với Ban Quản lý di tích Yên Tử, bà Liên cho biết, ngày 27/4, bà bắt xe từ Hà Nội về Quảng Ninh với mục đích lấy thuốc trị bệnh đau khớp, khi đi qua khu Di tích Yên Tử, bà Liên đã xuống xe và đi vào Yên Tử. Sau khi mua vé cáp treo và vé thắng cảnh, bà Liên đi lễ Phật tại các điểm chùa trong khu di tích. Khoảng 16h cùng ngày, sau khi lễ Phật tại Chùa Đồng, bà hạ sơn. Khi đi xuống bà thấy mệt nên đã ngồi dựa vào lan can khu vực chùa Đồng để nghỉ ngơi, đứng lên đi tiếp thì bà bị choáng, ngã xuống khu vực phía dưới.
Thời điểm bị nạn, bà có kêu cứu và tìm cách bám vào thân cây nhưng không may bị rơi xuống thêm một đoạn nữa và bị ngất đi. Sau khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên bụi cây và trời bắt đầu tối, bà tìm mọi cách để kêu cứu, nhưng do điểm rơi khá sâu, điện thoại lại bị văng mất, không có cách nào để liên hệ cứu giúp. Loay hoay tìm đường để lên thì bà phát hiện mình nằm trên mỏm đá duy nhất của vách núi và không có đường lên hoặc xuống, nếu không cẩn thận sẽ tiếp tục rơi xuống sâu hơn, nguy hiểm đến tính mạng... Kêu cứu mãi không thành, cheo leo giữa vách núi không có người qua lại, đêm đầu tiên dưới vực sâu với bà là một đêm đầy sợ hãi.
Khi rơi xuống vực, chiếc túi mang theo bên mình có chứa một gói cơm cháy, một chai nước lọc và một chiếc kính mắt. Do vị trí rơi khá sâu, ít người qua lại, mặc dù đã kêu cứu rất nhiều nhưng không nhận được tiếng trả lời, bà Liên xác định phải tằn tiện dùng số lương thực ít ỏi có bên người để duy trì sự sống, hy vọng sẽ có người phát hiện, cứu hộ. Gói cơm cháy và chai nước bà chia nhỏ để ăn từng bữa.
Hai ngày đầu, bà ăn “sang hơn” nhưng đến ngày thứ 3 vẫn chưa nhận được tín hiệu cứu giúp, bà chia nhỏ số cơm cháy còn lại thành những miếng nhỏ hơn và tìm được những chai nước uống dở của khách ném xuống vực để uống. Phát hiện vách núi Yên Tử có cây dương xỉ và củ lạc tiên, bà đã ăn lá cây dương xỉ và củ lạc tiên để có thêm sức, tiếp tục hy vọng được cứu giúp.
Được cứu nhờ tiếng kêu cứu dưới vực sâu và tiếng kim loại đập vào vách đá
Trong những ngày sống dưới vực sâu, bà nghe rõ tiếng người nói chuyện phía trên nên tìm đủ mọi cách để phát tín hiệu cấp cứu nhưng vô vọng. Đã có lúc bà nghĩ đến việc đốt lửa để mong được mọi người để ý tới. Với chiếc kính mắt mang theo, bà nhặt lá cây khô xung quanh và dùng kính mắt phản chiếu ánh nắng mặt trời để tạo thành lửa nhưng lá cây chỉ xém không cháy được. Thời tiết tại đỉnh Yên Tử khắc nghiệt, ngày nắng đêm lạnh, hơn nữa những ngày nghỉ lễ tại Yên Tử gió thổi mạnh kèm theo mưa, để chống chọi với giá lạnh, bà đã nhặt bốn chiếc áo mưa giấy còn mắc trên cây để mặc vào người…
Nhân viên Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: "Sau nhiều ngày gió to kèm mưa giông, sáng ngày 3/5, núi Yên Tử bình yên đến lạ thường, trời quang, mưa tạnh. Trên đường đi làm nhiệm vụ, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu cứu rất nhỏ từ dưới vực sâu và tiếng kim loại đập vào vách đá (bà Liên đã dùng bình đựng nước bằng inox bới được từ túi rác để đập vào vách núi), chúng tôi cùng phối hợp với nhà chùa, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm và người bán hàng nhanh chóng triển khai tìm kiếm. Ban đầu, chúng tôi nghĩ người dân bản địa đi rừng hái thuốc gặp nạn, sau gần 1 giờ đồng hồ tìm kiếm, chúng tôi tiếp cận được vị trí người gặp nạn, khi tiếp cận chúng tôi mới biết đó là du khách đã mắc kẹt tại đây 7 ngày và nhanh chóng đưa nạn nhân lên sơ cứu".
Khi được lực lượng cứu hộ đưa lên khỏi vực sâu và xuống núi an toàn, bà Liên đã tỉnh táo hơn và cung cấp thông tin để Ban quản lý Yên Tử liên lạc với gia đình. Được biết, trong thời gian bà Liên mất tích, gia đình đã lo lắng và tích cực tìm kiếm nhưng không có kết quả. May mắn, sau khi gặp nạn bà Liên đã được chính quyền địa phương, các đơn vị và người dân hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn về sức khỏe.
Lên chuyến xe do Ban Quản lý Yên Tử hỗ trợ di chuyển về gia đình tại Hà Nội, bà Liên rất cảm kích, chân thành cảm ơn tinh thần cứu hộ, hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình của các đơn vị, lực lượng làm việc tại Khu di tích Yên Tử.
Khi biết đến câu chuyện của bà Liên, rất nhiều người trên mạng xã hội đã bày tỏ sự kinh ngạc và gọi hành trình sinh tồn của bà sau 7 ngày bị rơi xuống vực sâu Yên Tử là một kỳ tích.