Lời hứa với mẹ chưa kịp làm của chiến sĩ hy sinh giúp bà con vùng lũ

Chia sẻ Facebook
17/10/2022 20:01:46

Trung úy Cường ra đi ở tuổi rất trẻ, dang dở giấc mơ công an nhân dân và chưa thể thực hiện một lời hứa với mẹ của mình. Sự ra đi của trung úy khiến người mẹ suy sụp vì nhớ con.

Trong căn nhà cũ ở tổ 4, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), những người trong xóm, bà con cạnh nhà ai nấy cũng phụ giúp một tay để cùng gia đình lo cho hậu sự của anh, trung úy Trần Văn Cường. Chàng trai trẻ hy sinh và ra đi mãi mãi khi trong ca trực đêm, khi đó Đà Nẵng đang trong tình trạng bão lũ, mưa lớn kéo dài và gây rất nhiều thiệt hại.

Các lực chức năng Đà Nẵng đã nhiệm cứu hộ người dân 24/24 tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết . (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nghe tin trung sĩ Trần Văn Cường hy sinh, bà xon xung quanh ai cũng bàng hoàng, tiếc thương cho chàng trai trẻ, một chàng trai rất nhiều hoài bão và luôn thể hiện thái độ gần gũi với mọi người. Nhìn vào di ảnh người thanh niên nở nụ cười trong bộ quân phục, mọi người đều tỏ ra đồng cảm thương tiếc và bày tỏ cảm xúc chia buồn với gia đình trung sĩ trẻ.

Trung sĩ Trần Văn Cường, người chiến sĩ bị mất trong đêm mưa bão tại Đà Nẵng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Hoàn cảnh của chiến sĩ Trần Văn Cường khá khó khăn, anh Cường ở với mẹ và vợ trong một căn nhà đã xuống cấp từ rất lâu do bị dính vào quy hoạch dự án. Trong đêm bão lũ tại Đà Nẵng, anh Cường đang trong ca trực, nhà của anh cũng bị sạt lở trước sân thế nên anh Cường tranh thủ thời gian chèn bao cát lên mái, khắc phục chỗ thấm dột cho nhà mình trước, để mẹ và vợ yên tâm, sau đó anh mới lên đơn vị thực hiện nhiệm vụ.


Chia sẻ với báo Công an Thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Sớt - mẹ của trung úy Trần Văn Cường nghẹn lòng nói: “Nó nói tui yên tâm, đợt này mưa to chứ không có bão. Nhà ở nơi cao, lại gần sông nên không ngập lụt. Nhưng mưa liên tục, nước vây lấy nhà, chảy mạnh sạt hết ngõ vào" . Thấy mưa lũ to bất thường bà Sớt liền gọi điện để hỏi thăm con, bà Sớt kể lại: "Tôi gọi điện thì nó bảo ráng chờ xí, đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm rồi về liền. Ai ngờ nó thất hứa không về nữa…”.

Bà Sớt bàng hoàng, đau xót mỗi khi nhìn lên di ảnh của con trai mình. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)


Đến bây giờ, cứ mỗi lúc bà Sớt lại nhờ con dâu dìu ra ôm lấy di ảnh của con trai, mân mê đôi cầu vai, cái bảng tên của đứa con mình rồi khóc lớn. Bà Sớt cứ nói mãi câu nói của anh Cường: “Con và anh em giúp bà con tới nơi an toàn rồi con về lo nhà mình”. Nhưng hiện tại đứa con trai út hiền lành của bà đã mãi mãi ra đi trong cái đêm thành phố Đà Nẵng chới với vì mưa, chứ không quay lại được nữa.

Bà mân mê đôi cầu vai, chiếc bảng tên rồi nói Cường thất hứa không về với mẹ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)


Chiến sĩ Cường đã có vợ, hai vợ chồng trẻ lấy nhau vào năm 2020. Khi nghe tin chồng hy sinh, chị Đặng Ngọc Thảo đã sốc và khóc hết nước mắt. Chi Thảo tâm sự: “Ảnh con út, lại hiền lành, sống trách nhiệm nên ai cũng thương. Hồi đi nghĩa vụ, ảnh nói bằng mọi giá phải tự học để thi đậu vào trường Công an. Khi ước mơ thành hiện thực, cả nhà mừng và tự hào lắm”. Nhớ lại đêm chồng thực hiện nhiệm vụ, chị kể lại trước ngày vào ca trực anh nói khi về sẽ mua cho cả nhà ít cá biển bà con ngư dân đưa vào bờ buổi sáng. Về kịp giờ sẽ mua đồ ăn sáng theo sở thích từng người, cả các anh chị đã lập gia đình ở riêng bên cạnh.

Trung úy Trần Văn Cường giúp đỡ một người già lên đi làm căn cước công dân. (Ảnh: Công anTP Đà Nẵng)

Trong hai năm lấy nhau, vợ chồng anh Cường chị Thảo gặp rất nhiều khó khăn,  2 năm qua vừa dịch bệnh vừa thiên tai nên thời gian anh Cường ở nhà không được nhiều. Khi thì cách ly xã hội, bám đơn vị để giúp dân vùng phong tỏa, khi thì phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…, có thời gian chồng ở đơn vị nhiều hơn ở nhà nên chưa có thời gian tính chuyện sinh con.


Chị Thảo tâm sự: “Đến một lần đi chơi cùng nhau đâu đó cũng nói mãi chưa thực hiện được". Ngoài ra chị cho biết, dạo gần đây công việc bắt đầu ổn hơn, chị và chồng có lên kế hoạch sang năm sinh em bé. Vậy mà giờ đây chồng đã hy sinh, chị thương anh Cường vô cùng không biết phải làm sao.

Đồng đội tiếc thương đến viếng, chào tiễn biệt Trung úy Trần Văn Cường. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)


Thiếu tá Nguyễn Thị Nhung – Phó trưởng CAP. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng kể lại, hoàn thành ca trực thì trung úy Trần Văn Cường được phép về nhà, nhưng vào thời gian đó mưa bão lớn, người dân gọi điện kêu cứu khắp nơi, đồng đội không đủ quân số để bám địa bàn nên Cường tiếp tục ở lại để giúp bà con các vùng nguy hiểm. Lúc mưa đỉnh điểm, 26 CBCS của công an phường phải chia tổ dầm mình trong nước lũ để ứng cứu bà con tại các vùng xung yếu trên đường Nguyễn Phan Vinh, Yết Kiêu, Lê Văn Lương và các khu dân cư dưới chân núi Sơn Trà. “Thời điểm căng thẳng nhất là lúc có 2 ông cháu bị nước lũ cuốn trôi và một cán bộ của Ban chỉ huy quân sự quận gặp nạn. Điện thoại trực ban gần như không nghỉ vì khắp nơi đều để nghị ứng cứu” , Thiếu tá Nhung chia sẻ với báo Công an Thành phố Đà nẵng.


“Cường là Phó bí thư Chi đoàn Công an phường, sống hiền lành, tình cảm với đồng chí, đồng đội, trách nhiệm với công việc và được bà con nhân dân yêu quý. Mất một người đồng đội như vậy, đau xót vô cùng. Giờ mong em yên nghỉ, phần việc còn lại, chúng tôi sẽ làm thay em” , Thiếu tá Nguyễn Thị Nhung xúc động khi nói về trung sĩ Cường.

Đồng đội chia sẻ nỗi buồn với mẹ và vợ chiến sĩ Cường. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Trận mưa lịch sử diễn ra trong ngày 14/10 tới rạng sáng 15/10 đã khiến bà con Đà Nẵng bàng hoàng và không kịp trở tay khi nước lên quá nhanh, gây không ít thiệt hại cả về người lẫn của. Thậm chí có những nơi nước ngập sâu hàng mét, nước chảy xiết cuốn trôi nhiều xe máy, ô tô và tài sản khác. Nhất là Đà Nẵng trong tối ngày 14/10 đồng loạt bà con đã phải lên mạng cầu cứu lực lượng chức năng hỗ trợ. Nhiều gia đình nước ngập sâu tới tận mái nhà, gia đình có người già và trẻ nhỏ không thể tự thoát ra được.

Cụ thể báo Vietnamnet đăng tải, vào sáng 15/10, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp ứng phó, khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão số 5, mưa lũ tại thành phố. Tại cuộc họp, Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã có 4 trường hợp ra đi mãi mãi do liên quan đến mưa lũ, ngập lụt vào tối ngày 14/10.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng chìm trong biển nước. (Ảnh: FB T.N.Đ.N)

Ngoài thiệt hại về người, đến nay thành phố cũng ghi nhận nhiều thiệt hại về tài sản. Trong trận mưa bão, nước lũ đã tràn vào hàng trăm nhà dân, khu dân cư. Nhiều tầng hầm công trình khách sạn bị ngập cùng hàng chục gia đình có trẻ nhỏ bị mắc kẹt do nước lũ lên quá nhanh và chảy rất mạnh. Đường phố Đà Nẵng sau trận lũ dữ cũng ghi nhận nhiều ô tô, xe máy bị hỏng nằm la liệt. Hầu hết các gara ô tô, trạm cứu hộ của TP đều hoạt động hết công suất.

Nhiều khu dân cư nước ngập tới hơn 1m. (Ảnh: VTC News)


Đến hiện tại, câu chuyện của chiến sĩ Cường, sự dũng cảm của chàng trai được rất nhiều người ngưỡng mộ và thể hiện sự thương tiếc với gia đình. Bạn suy nghĩ gì về câu chuyện này? Hãy chia sẻ cho YAN biết nhé!

Sự ra đi của người chiến sĩ trẻ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ là niềm tiếc thương vô hạn cho người ở lại. Các chiến sĩ vì dân mà quên mình, sẵn sàng bất chấp khó khăn lao vào chỗ nguy hiểm để cứu người. Dù ở độ tuổi bao nhiêu, họ cũng không sợ hãi mà chùn bước trước khó khăn. Hành động cao đẹp ấy rất đáng tự hào và sẽ mãi được khắc ghi. Còn đối với những người ở lại, có lẽ nỗi đau cùng sự thương xót sẽ không phải ngày một ngày hai mà biến mất. Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ rất tự hào về người chồng, người con đã cống hiến hết mình cho đất nước, bảo vệ sự an toàn của mỗi người dân.

Chia sẻ Facebook