Lợi hại là thế, vì sao nhiều công ty vẫn cấm ChatGPT?
Bất chấp những tính ưu việt của ChatGPT trong việc hỗ trợ công việc nhanh hơn, nhiều công ty vẫn còn tỏ ra dè dặt với công cụ AI này.
Sự ra đời của ChatGPT - một chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng thực hiện bất kỳ tác vụ dựa trên văn bản nào được giao. Nói cách khác, ChatGPT có thể viết mã nhanh hơn, thậm chí còn chính xác hơn nhiều so với con người. Ứng dụng này cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật thuần túy như làm thơ hoặc viết lời bài hát.
Chính những ưu điểm vượt trội trên đã khiến ChatGPT ngay lập tức được nhiều nhân viên văn phòng đón nhận để tạo ra các bản trình bày PowerPoint và viết email chuyên nghiệp cũng như tạo ra các chuỗi mã cho các tác vụ tự động.
Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng ChatGPT đã được sử dụng rộng rãi trong các nhân viên và giúp công việc của họ trở nên hiệu quả hơn. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 1 của Fishbowl, hơn 40% trong số gần 12.000 nhân viên tại các công ty cho biết họ sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ AI khác tại nơi làm việc.
Nhiều nơi vẫn cấm ChatGPT
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn, nhỏ trên khắp các lĩnh vực đang bắt đầu thảo luận về việc khi nào thì thích hợp và không thích hợp để sử dụng AI để giao tiếp, đánh giá hiệu suất của nhân viên và tạo ra các giải pháp để hoàn thành công việc nhanh hơn.
Một số công ty lớn, bao gồm JPMorgan Chase & Co. và Verizon Communications, … đã chặn quyền truy cập vào ChatGPT. Một số công ty thì đưa ra một số công cụ khác thay thế. Ví dụ, tập đoàn Amazon yêu cầu các kỹ sư của mình sử dụng công cụ AI nội bộ có tên CodeWhisperer.
Còn Tập đoàn Northrop Grumman - một nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ cũng đã cấm sử dụng ChatGPT, nói rằng họ không cho phép chia sẻ dữ liệu của công ty hoặc khách hàng trên các nền tảng bên ngoài cho đến khi những công cụ đó được kiểm tra đầy đủ.
Ngoài những lo ngại về quyền riêng tư và bí mật thương mại, nhiều công ty còn có những vấn đề của riêng họ liên quan tới ChatGPT.
Đơn cử, giám đốc Jamie Buckley của LexisNexis Legal and Professional - tập đoàn hàng đầu về cung cấp các giải pháp liên quan tới phòng chống tội phạm tài chính, phòng chống rửa tiền và quản trị rủi ro, cho biết mặc dù ChatGPT hỗ trợ công việc cho các luật sư rất nhiều, bao gồm tóm tắt án lệ, song nhiều công ty luật đã ban hành các chính sách mới hạn chế luật sư nhập thông tin độc quyền vào nền tảng ChatGPT và cấm luật sư chia sẻ văn bản chưa được chỉnh sửa do AI tạo ra với khách hàng dưới dạng tư vấn pháp lý.
Sự bùng nổ trong việc sử dụng ChatGPT tại nơi công sở đã khiến các công ty tìm cách đưa ra các biện pháp giám sát và điều chỉnh công cụ AI.
Mới đây, các nhà chức trách Italia vào hôm 31/3 đã ban hành lệnh cấm tạm thời ứng dụng ChatGPT và lệnh này có hiệu lực ngay lập tức, do những lo ngại về quyền riêng tư. Đồng thời, Italia cũng cho biết họ sẽ mở một cuộc điều tra về cách OpenAI sử dụng dữ liệu. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm cửa ChatGPT.
Theo lệnh cấm này, OpenAI sẽ bị cấm dùng dữ liệu của người dùng Italia cho đến khi ChatGPT "tôn trọng quy định về quyền riêng tư".
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia cho biết người dùng thiếu hiểu biết về cách ChatGPT thu thập và xử lý dữ liệu của họ và một vụ vi phạm về quyền riêng tư đã được báo cáo vào ngày 20-3.
Cơ quan này cũng bày tỏ quan ngại rằng OpenAI thiếu cơ chế xác minh độ tuổi của người dùng và điều này "khiến trẻ em có thể nhận được những phản hồi không phù hợp với lứa tuổi”.
ChatGPT vào tầm ngắm
Một số tên tuổi đình đám trong giới công nghệ mới đây kêu gọi các phòng thí nghiệm AI tạm dừng quá trình đào tạo cho các hệ thống AI quyền lực nhất trong ít nhất 6 tháng, viện dẫn “rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại".
Tỷ phú Elon Musk là một trong hàng chục lãnh đạo các công ty công nghệ, nhà nghiên cứu và giáo sư đã ký vào đơn kiến nghị với nội dung trên.
Đơn kiến nghị được công bố chỉ sau hai tuần sau khi OpenAI, công ty Mỹ đứng sau ứng dụng ChatGPT, ra mắt GPT-4, phiên bản mạnh mẽ hơn rất nhiều của công nghệ làm nền tảng cho công cụ chatbot ChatGPT. Trong các đợt thử nghiệm trước đó và phiên bản demo, GPT-4 cho thấy công nghệ này có thể phác thảo các vụ kiện, vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn và xây dựng một trang web hoạt động từ một bản phác thảo vẽ tay.
Trong đơn kiến nghị, các lãnh đạo công nghệ nói rằng việc tạm dừng đào tạo hệ thống AI nên được áp dụng cho các hệ thống AI "mạnh mẽ hơn GPT-4, đồng thời kêu gọi các chuyên gia độc lập nên tận dụng khoảng thời gian tạm dừng trên để chung tay phát triển và triển khai một bộ giao thức chung cho các công cụ AI an toàn.
Vĩnh Khang (WSJ, CNN)