Lời giải nào cho bài toán vốn của doanh nghiệp hiện nay?

Chia sẻ Facebook
22/11/2022 15:40:25

Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu còn tồn tại những khó khăn cùng với áp lực kép từ tỷ giá và lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán khó huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như nào về mức độ khó khăn của các doanh nghiệp trong việc huy động nguồn vốn hiện nay?


Ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Navibank (NVS) : Chúng ta thấy rằng kỷ nguyên tiền rẻ với nguồn vốn dồi dào và chi phí lãi suất thấp trên thị trường quốc tế đã chấm dứt, điều đấy ảnh hưởng rất mạnh tới thị trường Việt Nam trên cả ba kênh lớn.

Thứ nhất đối với dòng cổ phiếu, thị trường đã có sự suy giảm rất mạnh cả về giá trị giao dịch và số lượng kể từ đầu năm đến nay, điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động trên thị trường này.

Đối với thị trường trái phiếu là một thị trường đã phát triển khá mạnh trong 2-3 năm gần đây. Tuy nhiên, với những thay đổi, siết chặt hơn của cơ quan quản lý trong cả ba bên là Ủy Ban Chứng Khoán, bên ngân hàng cũng như công ty bảo hiểm, khiến cho số lượng các nhà đầu tư có thể tiếp cận với thị trường trái phiếu giảm đi rất nhiều.

Cuối cùng là vay ngân hàng, việc các ngân hàng của các nước, các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới đã áp dụng chính sách lãi suất cao nhằm chống lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng chính sách lãi suất cao nhằm bảo vệ đồng nội tệ khiến cho các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm được nguồn vốn.

Tuy nhiên, chúng ta thấy vẫn còn có những doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh này. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về các cách thức khác có thể giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn mới không thưa ông?

Tôi cũng xin phép giới hạn phạm vi nguồn vốn ở kênh thị trường tài chính, tức là kênh vốn trung, dài hạn. Từ kinh nghiệm của chúng tôi trong việc tiếp cận, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài thì chúng tôi thấy có một số hình thức được áp dụng phổ biến trên thế giới nhưng chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, có hai mô hình mà chúng tôi thấy có tính khả thi cao ở Việt Nam và thực tế đã được sử dụng ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ nhất là hình thức huy động vốn thông qua việc chuyển nhượng dòng tiền dài hạn từ dự án. Doanh nghiệp có thể huy động được vốn để tái cấu trúc các khoản nợ hoặc tái đầu tư vào các dự án khác mà không phải chờ đợi dòng tiền tích lũy từ dự án trong thời gian dài. Cấu trúc này thường được sử dụng trong các dự án có dòng tiền ổn định trong thời gian dài giống như ngành năng lượng, các ngành về cho thuê kho bãi, nhà xưởng, cho thuê văn phòng, khách sạn. Hiện nay chúng tôi chủ yếu áp dụng mô hình huy động này trong các dự án liên quan đến điện gió hoặc điện năng lượng mặt trời.

Hình thức thứ hai cũng đã triển khai khá phổ biến ở Việt Nam trong thời gian qua, đó là hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi, cổ tức hoặc là cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ưu đãi sẽ được cam kết nhận khoản cổ tức ổn định khoảng thời gian. Hình thức huy động này thì có một đặc điểm: mặc dù là dạng công cụ vốn tuy nhiên nó lại mang đầy đủ các đặc điểm của công cụ nợ. Như vậy nó giúp cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường cận biên như Việt Nam, họ ưa thích đầu tư vào những sản phẩm có tính chất công cụ nhiều hơn trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại tránh được mất thời gian trong việc huy động khoản vốn nếu vay vốn từ nước ngoài. Đối với hình thức huy động này, cũng phải từ 100 – 200 triệu USD cho mỗi một lần huy động.

Như vậy có thể thấy vẫn đang có những phương án khả thi giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn mới vào lúc này. Tuy nhiên theo ông đâu là lý do mà chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với các hình thức huy động như vậy?

Hai cấu trúc huy động vốn mà tôi đề cập ở trên đòi hỏi có một số những tiêu chí nhất định để có thể áp dụng. Chẳng hạn đối với hình thức huy động vốn thông qua việc chuyển nhượng dòng tiền từ dự án thì chúng tôi hay áp dụng đối với các dự án về năng lượng, khi đó họ sẽ phải có những hợp đồng bán điện dài hạn.

Ngoài ra, đối với những dự án như vậy, chi phí về bảo trì và vận hành có thể định mức được trước, do vậy có thể tính toán được lợi nhuận của dự án. Chưa kể đến chuyện quy mô dự án, quy mô vốn cũng phải đủ lớn thì mới cover được những chi phí liên quan tới việc thu xếp về mặt pháp lý.

Mặt khác đối với trường hợp huy động thứ hai là huy động qua hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi thì thường nhà đầu tư sẽ phải kèm theo những yêu cầu doanh nghiệp và tuân thủ những quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Và những quy định đó thường khá khắt khe nhằm đảm bảo doanh nghiệp phải tuân thủ được kế hoạch tài chính mà họ đã dự phóng ra và tránh được, giảm được rủi ro cho các nhà đầu tư trong việc thu về dòng cổ tức mà họ đã kỳ vọng cũng như bán lẻ giá cổ phiếu trong tương lai theo mức giá mà đã thỏa thuận. Nó cũng không phải tốn chi phí mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn hóa trong hoạt động quản trị của mình.

Nhưng tôi tin rằng với nhóm VN30, là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn và họ cũng tuân thủ những quy định rất chặt chẽ, ngặt nghèo trong về điều kiện niêm yết nên tôi không nghĩ là khó khăn nhiều. Doanh nghiệp sẽ cần phải có sự thích nghi và nỗ lực trong việc chuyển đổi để làm sao chuẩn hóa bộ máy quản trị của mình mà thôi.

Ngoài ra, ở vị trí là bên kết nối các doanh nghiệp với các nhà đầu tư thì ông thấy hiện nay các nhà đầu tư từ khu vực nào trên thế giới, đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam?

Đối với các nguồn vốn quốc tế mà chúng tôi làm việc thì chủ yếu qua 2 hub là đặc khu hành chính Hongkong và Singapore. Tuy nhiên, với những dự án cụ thể thì một số nhà đầu tư cũng có dòng vốn trực tiếp từ các nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục. Đối với những dự án liên quan năng lượng tái tạo chúng tôi chủ yếu làm việc với các nhà đầu tư từ Châu Âu. Đối với dòng vốn quốc tế thì họ thường đi theo những chiều hướng quốc tế nhất định. Tuy nhiên với tính chất gần gũi hơn, về văn hóa thì rõ ràng các nhà đầu tư đến từ Châu Á thì sẽ dễ chấp nhận hơn và Việt Nam cũng dễ trong việc đàm phán hơn để hiểu, chia sẻ những vấn đề mà khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.

Dòng vốn khi chúng tôi tiếp cận thì không có giới hạn về quy mô. Tuy nhiên, khó khăn chính nhất là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với những doanh nghiệp ở quy mô vừa nhỏ chẳng hạn thì có thể dòng vốn họ chỉ hấp thụ được khoảng 5-10 triệu USD thế nhưng với những dự án lớn, đặc biệt liên quan năng lượng thì quy mô hơn 200 triệu USD khá phổ biến.

Vừa rồi chúng ta đã có những phân tích về thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp hiện nay, vậy theo dự báo của ông, thị trường vốn trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Thị trường vốn hiện nay sẽ chịu áp lực rất lớn từ chính sách lãi suất cao nhằm chống lạm phát của các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới. Chúng ta cũng vừa biết Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất, đưa FED Funds Rate lên tới 4% - mức cao nhất kể từ năm 2008 cho đến nay. Với áp lực từ Chính phủ Mỹ thì Ngân hàng Trung ương Anh cũng bắt buộc phải tiếp tục tăng lãi suất để bảo vệ đồng bảng Anh, tạo niềm tin cho nền kinh tế Anh.

Như vậy, các doanh nghiệp không thể kỳ vọng trong thời gian ngắn trước mắt có thể có được nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên, mặt khác chúng ta cũng thấy đây cũng là một cơ hội tốt, bởi vì khi kỷ nguyên dòng tiền rẻ không còn nữa thì các nhà đầu tư sẽ không còn ưa chuộng những dự án mang tính đột biến cao và họ sẽ thận trọng hơn, sẽ cân nhắc hơn tới dự án có chất lượng tốt, có tính ổn định nội tại cao, đặc biệt là những dự án liên quan đến việc giảm thiểu chi sản xuất ở những dự án liên quan đến năng lượng. Chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, cả từ các quỹ đầu tư trong nước lẫn nước ngoài về việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam và không có một rào cản nào trong việc thiếu tiền cả. Vấn đề lớn nhất chính là tìm được doanh nghiệp phù hợp và dự án phù hợp cho yêu cầu nhà đầu tư. Họ sẽ ưu tiên nhiều hơn tới những dự án như tôi đề cập ở trên là dự án liên quan đến năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo hoặc những dự án liên quan tới việc chuyển đổi nhằm giảm thiểu chi sản xuất.

Thông qua quá trình làm việc, tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài thì thực sự quy mô quỹ của nước ngoài cũng khá là lớn, trải dài từ 200 triệu USD cho tới tỷ USD. Còn đối với vốn trong nước chúng tôi cũng tiếp nhận các đơn đặt hàng từ các quỹ. Có thể nói những dòng tiền mà họ đang chờ để đầu tư này có thể lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.

Vậy các doanh nghiệp sẽ phải làm những gì để nhanh chóng tiếp cận được với những nguồn vốn này thưa ông?

Tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị lớn nhất chính là việc làm sao để minh bạch trong trong hoạt động tài chính của mình. Rõ ràng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư ở Việt Nam việc họ quan tâm nhiều nhất chính là những hồ sơ tài chính cũng như những báo cáo tài chính cần phải có tính minh bạch cao, họ có thể dự đoán được và có thể kiểm tra được trong hoạt động đó. Một cách thuận lợi nhất là các doanh nghiệp nên thông qua những đơn vị tư vấn vốn chuyên nghiệp. Họ hiểu rõ nhu cầu, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài cũng như họ sẽ cân bằng hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp trong việc đưa những tiêu chuẩn của doanh nghiệp phù hợp.

Chia sẻ Facebook