Lời giải cho bài toán đầu ra của vải thiều huyện Tân Yên

Chia sẻ Facebook
21/06/2023 10:12:46

Với mục tiêu đưa vải thiều Bắc Giang mở rộng quy mô thị trường hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang nói chung và UBND huyện Tân Yên nói riêng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, đơn vị góp phần thúc đẩy tiêu thụ vải thiều của huyện.

Năm 2023, diện tích vải thiều của huyện Tân Yên là 1.340 ha, dự kiến sản lượng khoảng 15.500 tấn, giá trị ước đạt 430 tỷ đồng, trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1.170 ha, ước sản lượng 14.000 tấn, diện tích vải thiều chính vụ là 170 ha, ước sản lượng 1.500 tấn. Đặc biệt, vải thiều chín sớm Tân Yên là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, thời gian thu hoạch từ ngày 30/5 đến 25/6/2023 với diện tích chủ yếu ở xã Phúc Hòa với quy mô vùng tập trung lớn nhất tỉnh với gần 700 ha.

Vải thiều sớm Tân Yên đạt tiêu chuẩn cao xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thụ thì chất lượng sản phẩm cần được huyện Tân Yên chú trọng đầu tư ngay từ ban đầu. Huyện hướng dẫn bà con vùng trồng vải tổ chức sản xuất vải thiều theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất để tổ chức sản xuất tập trung. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý và bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, theo sát mục tiêu giữ vững thương hiệu vùng vải sạch, an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Từ chỉ đạo sản xuất đến xúc tiến tiêu thụ, huyện đều có sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bằng nhiều hình thức, huyện đã và đang thực hiện theo đường hướng nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người dân. Chủ động theo dõi và nắm bắt thực trạng thị trường trong và ngoài nước để có thông tin, đưa ra dự báo kịp thời, định hướng sản xuất gắn với công tác tiêu thụ vải phù hợp với tình hình và diễn biến thực tế.

Chủ động tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiêu thụ vải thiều

Theo dự báo, năm 2023 sẽ có một số khó khăn ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ vải thiều như: sự kiểm soát chặt chẽ của thị trường xuất khẩu đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc; sự thay đổi thói quen tiêu dùng tại các thị trường lớn với việc thay thế cả sản phẩm tươi bằng các sản phẩm qua chế biến sâu; các chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, các chi phí trung gian lớn, giá bán sản phẩm tại vườn không ổn định.

Xác định được những khó khăn trên, UBND huyện chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để xúc tiến tiêu thụ, kết nối cung cầu và đưa ra các phương án tháo gỡ để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước, cụ thể: Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ vải, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm. Chủ động trong khâu kết nối, đa dạng hóa thị trường trên kênh truyền thống và kênh online như các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để người dân có thể tiếp cận, trực tiếp bán sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin được phong phú, đa dạng và đảm bảo đầy đủ, kịp thời, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa rộng rã. Tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường tiêu thụ vải thiều năm 2023, thảo luận một số giải pháp xử lý vướng mắc để các doanh nghiệp, thương nhân vào địa bàn tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Nhiều doanh nghiệp kí cam kết là đầu ra cho vải thiều


Thị trường tiêu thụ nội địa của vải thiều dự kiến khoảng 5.800 tấn (chiếm 44,6% tổng sản lượng) chủ yếu là các chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh , Quảng Ninh , Hải Phòng, Đà Nẵng; một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị: Mega Market, Central Retail, Go Bắc Giang, Aeon Mall, Hapromart,... Trong khi đó, thị trường xuất khẩu dự kiến sản lượng khoảng 7.700 tấn (chiếm 55,4% tổng sản lượng) chủ yếu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc,... Riêng hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa dự kiến xuất khẩu khoảng 1.500 tấn vải đi các thị trường.

Xã Phúc Hòa là khu vực tập trung phần lớn diện tích vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang, đồng thời cũng xuất khẩu đi nhiều thị trường như Nhật Bản, Mỹ,… Đến nay, đã có khoảng 10 doanh nghiệp vào địa bàn có kế hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu tiêu thụ vải cho nông dân; riêng HTX sản xuất tiêu thụ vải Phúc Hòa làm đầu mối tiêu thụ trên 10.000 tấn. Đại diện của công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết chất lượng vải năm nay tốt hơn so với năm 2022 và mục tiêu thu mua khoảng 300 tấn tiêu thụ trong toàn hệ thống siêu thị, việc xúc tiến tiêu thụ tại huyện giúp các doanh nghiệp trực tiếp tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, giúp thu mua nhanh hơn.

Đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên.

Từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu, tiêu thụ vải đã đến Tân Yên khảo sát, trong đó đã có 8 doanh nghiệp vào địa bàn khảo sát, có kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ vải, điển hình là: Công ty cổ phần Bein (Hà Nội) cam kết tiêu thụ từ 150 - 200 tấn vải trong mã vùng trồng xuất sang Nhật Bản, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu dự kiến xuất khẩu 50 tấn vải vào thị trường Nhật; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Rồng Đỏ dự kiến xuất khẩu khoảng 500 tấn vải vào thị trường Trung Quốc,...

Huyện Tân Yên đã duy trì và giám sát chặt chẽ 12 mã vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đối với thị trường Trung Quốc có 4 mã vùng xuất khẩu quy mô 800 ha tại các xã: Phúc Hòa (600 ha), Liên Sơn (82 ha), Hợp Đức (70 ha), TT.Cao Thượng (50 ha); 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU diện tích là 25 ha tại xã Phúc Hòa; 2 mã vùng trồng  xuất khẩu sang thị trường Úc diện tích 21,7 ha tại xã Phúc Hòa; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan với diện tích 42 ha tại xã Tân Trung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chính sớm huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được tổ chức vào ngày 30/05/2023 rằng, hiện các doanh nghiệp, thương nhân, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đã ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp.

Hội nghị là dịp để Tân Yên quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm của huyện, các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hội nghị còn mang  ý nghĩa quan trọng hơn nữa khi không chỉ tạo và mở rộng thị trường cho vải sớm Tân Yên mà còn cho vải chính vụ trong thời gian qua. Ông Phan Thế Tuấn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp các ngành và nhân dân huyện Tân Yên trong việc kết nối, tiêu thụ vải thiều. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của vải thiều đây còn là cơ hội để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng khác của huyện như: Thịt lợn, ổi, bưởi, vú sữa./.


Hà Anh

Chia sẻ Facebook