Lợi dụng hình ảnh bác sĩ, giả mạo giấy tờ quảng cáo bán Hương Phục Khí
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền phản ánh một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của Bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí.
Cục An toàn thực phẩm vừa phát đi cảnh báo về việc một số trang web, mạng xã hội lợi dụng hình ảnh, danh tính của bác sĩ, giả mạo giấy tờ của Cục để quảng cáo bán sản phẩm Hương Phục Khí.
Cục An toàn thực phẩm nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc tại website http://www.huongphuckhi.asia/, facebook https://www.facebook.com/100089719672293/posts/1166493740905296/?vh=e&extid=MSG-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của Bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí để bán hàng lừa đảo người tiêu dùng, trên thực tế bà không có công trình này.
Tại các đường link nêu trên có đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 204 ngày 8/1/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1312 ngày 13/4/2019. Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này là giấy tờ giả mạo, không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.
Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí được quảng cáo vi phạm nêu trên, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe .
Gần đây, ngày 27/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) nhận được tin nhắn của một phụ nữ , cho rằng ông không có đạo đức, ăn tiền của người bán thuốc tiểu đường nên quảng cáo bậy bạ.
Vì nghe theo lời quảng cáo trên, nữ bệnh nhân đã uống 8 lọ thuốc trị tiểu đường, khiến đường huyết từ 200mg/dL đã tăng gấp đôi và không hạ.
Trong sự việc vừa xảy ra, nữ bệnh nhân tin lời bác sĩ "đểu" nhưng khi dùng thuốc biến chứng lại mắng chửi bác sĩ "thật".
Chia sẻ trên báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, ông chỉ là bác sĩ chuyên khoa nhi và không hề phát biểu gì về điều trị tiểu đường, giãn tĩnh mạch, đau khớp.
"Trước đây, họ từng ghép hình tôi bán thuốc, nói chỉ một liều là hết tiểu đường. Tất cả đều là giả mạo", bác sĩ Khanh dẫn chứng.
Chuyên gia truyền nhiễm nhi khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng thuốc hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào cần tìm hiểu kỹ, tham vấn từ người có chuyên môn để tránh chỉ vì tin tưởng người nổi tiếng hoặc quảng cáo trên mạng mà bị lừa, dẫn đến tiền mất, tật mang .