Lối đi nào cho nhà đầu tư thời điểm thị trường cuối năm 2022?
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô không ủng hộ, việc tìm kiếm một kênh đầu tư sinh lời bền vững, an toàn là mối quan tâm hàng đầu của những nhà đầu tư muốn hạn chế tối đa rủi ro tiềm ẩn.
Điều chỉnh để thanh lọc
Hàng loạt chính sách điều chỉnh được "tung" ra thị trường trong thời gian qua như ngân hàng siết room tín dụng, kiểm soát sai phạm trái phiếu, siết chặt thủ tục pháp lý các dự án… khiến thị trường diễn biến khó lường. Nhà đầu tư buộc phải xem xét, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn kênh đầu tư để "xuống tiền".
Trên thế giới và tại Việt Nam, 4 kênh tích lũy tài sản, sinh lời hiệu quả là vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm và bất động sản. Thời gian qua, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh. Biên độ giá dao động khoảng 10 triệu/lượng khiến nhà đầu tư "ôm" vàng luôn ở trong tình trạng bất an. Dù hiện tại, giá vàng dao động ở biên độ hẹp hơn nhưng nhìn chung, giá vàng thế giới vẫn đang trong xu thế giảm. Đó là lí do khiến vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Có thể nói, trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng. Lượng tài khoản cá nhân mở mới liên tục "lập đỉnh" cho thấy sức hút của kênh đầu tư này. Điều đó cũng phần nào phản ánh tâm lý "kiếm lãi lớn" của các F0. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn "dễ ăn" và bước vào thời kì thoái trào. Sau khi chứng kiến những cú "lao dốc", nhiều nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí trắng tay, họ mới nhận ra rằng đầu tư chứng khoán không dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng.
Trong khi đó, những người muốn gửi tiền vào ngân hàng lại lo ngại về những "lỗ hổng" bảo mật. Hàng loạt vụ "bốc hơi" trong tài khoản trong thời gian qua hay tiền trong tài khoản tiết kiệm "không cánh mà bay" khiến người dân e dè khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Trước đó, việc lộ thông tin khách hàng, hay mới đây, nhiều sai phạm của ngành bị phát hiện qua thanh tra cũng là những lý do khiến người dân dần mất niềm tin vào ngân hàng.
Bất động sản dù đang trong giai đoạn "quá độ", phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhưng đây là thời điểm cần thiết để thị trường "thanh lọc". Tuy nhiên, trong thời gian tới khi những nút thắt về tín dụng, pháp lý được tháo gỡ thì thị trường địa ốc sẽ phát triển bền vững trở lại. Khi những nhà đầu tư lướt sóng rút chân khỏi cuộc chơi, bất động sản sẽ trở về giá trị thực và tiếp tục là kênh đầu tư an toàn về mặt dài hạn. Đặc biệt, đây là thời điểm "vàng" đối với người dân có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và tiềm lực tài chính mạnh.
Nhà đầu tư thông thái vẫn tìm được lối đi riêng
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, từ nay tới cuối năm, sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng. Thông tin trên không chỉ giải tỏa tâm lý của nhà đầu tư mà còn là tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng.
Sự xuất hiện của những chính sách điều tiết thị trường khiến ngành bất động sản không còn tình trạng "tăng nóng", sốt đất cục bộ như thời gian trước mà chờ thời cơ để bật lực mới. Giới chuyên môn cho rằng, đây là thời điểm mở ra cơ hội cho những chủ đầu tư "có thực lực" cùng những dự án đảm bảo pháp lý vững chắc. Do đó, khi nhìn xa hơn sẽ thấy bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản được điều chỉnh và phục hồi ổn định.
Theo văn bản báo cáo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội của Sở Xây dựng Hà Nội về tình hình thị trường BĐS, nhà ở trên địa bàn thành phố, trong quý III/2022, không có bất cứ dự án bất động sản nào được cấp phép mới. Chính sách tín dụng siết chặt cộng thêm những khó khăn về thủ tục khiến nhiều dự án không thể triển khai. Bên cạnh đó, quỹ đất trung tâm Hà Nội ngày càng thu hẹp khiến nguồn cung đảm bảo pháp lý để ra hàng tại thị trường cuối năm ngày càng khan hiếm.
Trong giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, an toàn, nhiều nhà đầu tư với dự trù tài chính tốt dần chuyển sang lựa chọn phân khúc thấp tầng với các dự án nằm tại nội đô và có pháp lý minh bạch. Thực tế, trung tâm đô thị - nơi tập trung phát triển kinh tế, giao thoa văn hóa luôn thu hút dòng dân cư từ mọi nơi đổ về sinh sống và làm việc. Với hạ tầng sầm uất, nhịp sống hiện đại cùng các dịch vụ cao cấp, hệ thống tiện ích trọn vẹn... nơi đây trở thành tâm điểm kết nối những giá trị sống đích thực. Do đó, sức hút của bất động sản nội đô luôn lớn hơn cả.
Sở hữu nhiều tiềm năng thương mại, dư địa tăng giá và tính thanh khoản cao, những sản phẩm đảm bảo chất lượng, tiến độ và có sổ đỏ lâu dài luôn là "hàng hiếm" trên thị trường địa ốc "cung không đủ cầu". Đặc biệt, các dự án nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phát triển đồng bộ như khu vực Tây Nam Hà Nội sẽ là "cánh cửa sáng" cho các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm.