Lời cầu xin của Tổng thống Ukraine phơi bày sự chia rẽ của châu Âu
Dưới bầu trời trong xanh, Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra 2 yêu cầu đối với NATO và hy vọng Ukraine sẽ gặt hái điều gì đó tại Thượng đỉnh NATO sắp tới ở Litva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến một Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của Liên minh châu Âu được tổ chức ở Moldova để tìm kiếm “đảm bảo an ninh” cho đất nước mình và thấy nga y sự bất đồng giữa Pháp và Đức – hai thành viên hàng đầu của khối – về vấn đề này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện sự kiên định và ủng hộ đối với Ukraine khi họ tề tựu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Moldova – một nước thuộc Liên Xô cũ chỉ cách biên giới Ukraine vài km.
Nhưng ngay cả khi hơn 40 nhà lãnh đạo cam kết đoàn kết với Ukraine tại hội nghị này, khó khăn trong việc duy trì sự đoàn kết đó đã lộ rõ.
Trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đã cẩn thận đưa ra quan điểm về một vấn đề ngày càng gây tranh cãi: Đâu là loại đảm bảo an ninh mà liên minh phương Tây có thể mang lại cho Kiev để bảo đảm rằng nếu quân Nga bị đẩy lùi thì họ sẽ không dám quay trở lại.
Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã bất ngờ xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh EPC, được tổ chức ở Lâu đài Mimi thuộc Bulboaca, gần thủ đô Chisinau của Moldova.
Hai điều cần thiết
Dưới bầu trời trong xanh, ông Zelensky đưa ra 2 yêu cầu thẳng thắn: Một là “lời mời rõ ràng” về gia nhập NATO, và Hai là “đảm bảo an ninh trên con đường Ukraine trở thành thành viên NATO”.
Khi xung đột với Nga ngày càng ác liệt, ông Zelensky đã nhanh chóng đưa ra lời cầu xin của mình, hy vọng Ukraine sẽ gặt hái điều gì đó tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới ở thủ đô của Litva. NATO đã đồng ý vào năm 2008 rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành một thành viên của liên minh này, nhưng họ chưa bao giờ đưa ra một lời hứa chắc chắn hoặc mốc thời gian cụ thể.
“Năm nay là năm của các quyết định”, ông Zelensky nói bằng tiếng Anh. “Vào mùa hè ở Vilnius tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, cần có lời mời rõ ràng cho Ukraine và cần có sự đảm bảo an ninh trên đường Ukraine trở thành thành viên NATO”.
Mặc dù ông Zelensky khó có thể đạt được mọi thứ mình muốn tại cuộc hội ngộ của lãnh đạo 31 nước thành viên NATO vào tháng 7 tới, nhưng ngay lúc này, cả 2 vấn đề – mà ông Zelensky cho là đều “cần thiết” đối với Ukraine – đang được tranh luận sôi nổi.
Và nó cũng thể hiện sự chia rẽ ngày càng trở nên rõ ràng giữa Đức và Pháp: Trong khi Paris thúc đẩy một con đường cụ thể, Berlin lại kêu gọi sự thận trọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 31/5 đã kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Kiev những đảm bảo an ninh “hữu hình và đáng tin cậy” – một sự thay đổi trong lập trường của Pháp.
Ông Macron nói: “Tôi ủng hộ đưa ra những đảm bảo an ninh hữu hình và đáng tin cậy vì 2 lý do: Ukraine đang bảo vệ châu Âu, và nước này đang cung cấp những đảm bảo an ninh cho châu Âu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 1/6 đã tỏ ra do dự hơn, cho biết đây có thể là một câu hỏi cho thời kỳ hậu chiến, nhưng từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
“Có một điều rất rõ ràng: Chúng tôi hiện đang đóng góp để hỗ trợ Ukraine”, ông Scholz nói. “Chúng tôi luôn nói rằng cũng phải có những đảm bảo cho một trật tự hòa bình sau khi cuộc chiến kết thúc. Đức sẽ đóng góp vào việc này”.
Tiêu chí rõ ràng
Tuy nhiên, cả ông Scholz và ông Macron đều xác nhận rằng các đồng minh đang tích cực thảo luận về chủ đề này và phối hợp các cách tiếp cận của họ trước khi hội nghị quan trọng nhất năm của NATO diễn ra.
Phát biểu tại Oslo hôm 1/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cẩn trọng khi đề cập đến chủ đề nhạy cảm này.
“Khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại… Chúng ta cần có sẵn các khuôn khổ để đảm bảo an ninh cho Ukraine vào lúc đó”, ông Stoltenberg cho biết.
Sự thiếu rõ ràng phản ánh sự phức tạp của việc xác định loại đảm bảo an ninh nào dành cho một quốc gia ngoài NATO, chứ chưa nói gì đến việc cung cấp nó. Châu Âu cũng có thể đang chờ nhận tín hiệu từ Mỹ.
Mô hình an ninh ràng buộc giữa Mỹ và Israel có thể là một lựa chọn đáng cân nhắc, trong đó bao gồm ưu tiên chuyển giao vũ khí và các cam kết hỗ trợ dài hạn.
Tuy nhiên, ông Scholz, phát biểu khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh EPC, vẫn kiên nhẫn nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ trước mắt” là giúp Ukraine tự vệ. Và người đứng đầu chính phủ Đức đã loại trừ tư cách thành viên NATO cho Ukraine vào thời điểm này.
“Có những tiêu chí rõ ràng để trở thành thành viên NATO. Chẳng hạn, một thành viên của liên minh không thể đang có xung đột về biên giới”, ông Scholz nói – ám chỉ rõ ràng đến Ukraine.
Những bình luận của ông Scholz được hiểu rộng rãi rằng Ukraine không thể gia nhập NATO chừng nào nước này còn đang giao tranh với Nga. Nhưng các quan chức Ukraine muốn các nhà lãnh đạo NATO đưa ra một cử chỉ chính trị cụ thể rằng Kiev ít nhất đang trên con đường trở thành thành viên.
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore hôm 4/6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov cho biết, Ukraine muốn gia nhập NATO ngay sau khi đánh bại Nga.
“Chúng tôi muốn nghe kế hoạch hoặc lộ trình, hoặc danh sách các hành động sẽ được thực hiện bởi cả hai bên – NATO và Ukraine – để đạt được tư cách thành viên trong một khoảng thời gian rất ngắn”, ông Havrylov nói. Mặc dù vị quan chức Ukraine thừa nhận điều này sẽ không thể thực hiện được khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hiểu rằng sau chiến thắng của mình, quá trình chúng tôi gia nhập liên minh sẽ rất, rất ngắn”.
NATO nên cung cấp cho Ukraine một danh sách các bước cần thực hiện “với sự xác nhận rõ ràng rằng Ukraine là một ứng cử viên hợp pháp” cho tư cách thành viên NATO, ông Havrylov cho biết.
Trong khi chờ đợi, Ukraine sẽ đàm phán về một “hệ thống đảm bảo an ninh” với NATO trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi trở thành thành viên. Những đảm bảo như vậy nên bao gồm cam kết của các nước NATO giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến; hỗ trợ cho nền kinh tế Ucraine; và ủng hộ việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt và các hình thức gây áp lực khác đối với Nga, ông nói .
Minh Đức (Theo Politico, France24)