Lời cảnh báo của OPEC+
OPEC+ cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày ngay sau khi G7 công bố muốn áp giá trần cho dầu thô của Nga.
Nga đang sử dụng khí đốt tự nhiên để "trừng phạt" châu Âu nhưng dầu thô thì chưa có diễn biến tương tự. Tuy nhiên, việc các nước G7 muốn áp giá trần cho dầu thô của Nga có thể làm tăng rủi ro.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng dầu/ngày kể từ tháng 10. Kể từ khi xung đột Nga – Ukaraine nổ ra, nhiều thế lực dầu mỏ gặp khó trong việc duy trì lập trường trung lập giữa các đối tác quan trọng của họ tại Moscow và phương Tây.
Quyết định vừa đưa ra của OPEC+, trong bối cảnh Mỹ yêu cầu tăng sản lượng, có thể chỉ là một phản ứng đối với nhu cầu bấp bênh của thị trường nhưng cũng có một cách giải thích đáng lo ngại hơn: OPEC đang đưa ra một cảnh báo cho những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần cho dầu thô của Nga.
Moscow đã đóng đường ống NordStream vận chuyển khí đốt đến châu Âu, khiến giá khí đốt tăng vọt hôm 5/9. Dầu thô thì không như vậy. Dễ dàng vận chuyển hơn so với khí đốt, dòng chảy dầu thô của Nga dường như chỉ đang được định tuyến lại, chảy sang Ấn Độ và Trung Quốc nhiều hơn trong khi châu Âu mua nhiều hơn từ châu Phi và Mỹ.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Nhóm G7 hôm 2/9 đã công bố kế hoạch áp giá trần cho dầu thô củ Nga. Nếu thành công, thoả thuận này có thể tạo ra một liên minh những người mua dầu, tạo ra quyền lực lớn đối với giá dầu thô toàn cầu.
Đó có thể coi là một thách thức nghiêm trọng đối với OPEC trong việc thiết lập giá dầu toàn cầu.
Tất nhiên, thoả thuận này được cho là dấu hiệu chính trị nhiều hơn là mang đến thay đổi thực chất cho thị trường bởi dầu của Nga hiện được bán với giá chiết khấu lớn so với giá chuẩn toàn cầu trong nhiều tháng qua.
Việc áp giá trần chủ yếu được thực thi cho các công ty phương Tây hiện làm bảo hiểm hoặc tài trợ cho các lô hàng dầu thô. Tuy nhiên theo thời gian, hoạt động này có thể được chuyển sang các nhà cung cấp khác, không đến từ phương Tây. Để có bất kỳ hiệu quả lâu dài nào, Ấn Độ và Trung Quốc cần phải tham gia. Tuy nhiên, điều này dường như khó xảy ra.
Tất nhiên, vẫn còn những lý do rõ ràng khác để OPEC xem xét cắt giảm nguồn cung. Giá dầu đã giảm 25% trong 3 tháng qua và có thể giảm hơn nữa nếu nền kinh tế châu Âu tiếp tục đi xuống, Trung Quốc có các đợt phong toả mới vì Covid hay một thoả thuận từ Iran có thể bổ sung nguồn cung vào thị trường dầu toàn cầu.
Ngoài ra, việc cắt giảm này cũng không mang đến nhiều thay đổi cho thị trường vì thực tế, OPEC+ đang sản xuất ít hơn khoảng 3 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch cam kết.