Logistics cảng biển Việt Nam khởi sắc, hỗ trợ xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 12:19:44

Tuần qua, báo chí quốc tế đã có nhiều bài viết đánh giá về cơ hội của vận tải biển và ngành logistics Việt Nam.


Tháng 6 sắp kết thúc với nhiều kỳ vọng tiếp tục đặt vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm nay. Vì tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 16,7% nhờ hiệu quả của chính sách mở cửa nền kinh tế cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.


Trong đó, các mắt xích về hạ tầng hậu cần logistics từ cảng biển, trung tâm logistics… đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nhiều trang báo của Nga đăng tải thông tin Tập đoàn Vận tải lớn nhất nước Nga FESCO vừa khai trương tuyến đường biển kết nối các cảng Việt Nam, cụ thể là Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh với Cảng biển Thương mại Vladivostok.


Báo PortNews của Nga đánh giá, việc khai trương tuyến vận tải mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian giao hàng và tăng đáng kể năng lực của hành lang vận tải giữa hai nước.

Toàn cảnh Tân Cảng - Cái Mép nhìn từ trên cao. (Ảnh: NLĐ)


"Hàng hóa của Việt Nam và Nga có tính bổ sung, bổ trợ cho nhau. So vậy tuyến đường biển thẳng từ Nga với Việt Nam và ngược lại sẽ là cơ hội thuận lợi cho việc phát triển", ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế - Thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Liên bang Nga, cho hay.

Cảng quốc tế Tân cảng - Cái Mép cũng vừa lọt top 11 cảng container hiệu quả nhất thế giới, do Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence vừa công bố.


"Những năm qua, nếu không có dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt hơn 20% hoặc hơn 10% mỗi năm. Điều này đang giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trung và dài hạn là trở thành một quốc gia giàu mạnh và phát triển toàn diện", ông Thomas Snoeck, Tiểu ban Vận tải, Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nói.

"Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động khai thác cảng biển, trong kết nối giữa các phương thức vận tải, thúc đẩy nhanh các chính sách để thúc đẩy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của Việt Nam, dần biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực", ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, nhận định.


Theo Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2021, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có kết quả ấn tượng về cải thiện kết nối toàn cầu.


Năm 2021, mặc dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, nhưng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% so với năm 2020.

Trong đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đã được công bố, TP Thủ Đức đề xuất thêm một số tuyến đường bộ và cả đường sắt nhằm phục vụ ngành logistics.

Chia sẻ Facebook