Loạt hậu quả vì tự chữa đau mắt: Bác sĩ khuyến cáo gì?

Chia sẻ Facebook
30/09/2023 03:58:58

Theo bác sĩ, tình trạng đau, đỏ mắt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Do vậy, người bệnh không nên tự chẩn đoán và tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể gây hệ lụy khó lường.

Tử vong sau khi tự uống thuốc trị đau mắt

Mới đây, một người đàn ông tử vong sau khi tự ý mua thuốc tây về uống để chữa đau nhức mắt.

Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, ngày 28/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai xác nhận ông N.V.L (50 tuổi, trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tử vong ngoại viện do sốc phản vệ thuốc tân dược.

Ông N.V.L được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu vào chiều tối 27/9, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh… Các bác sĩ xác định ông N.V.L đã tử vong do sốc phản vệ thuốc tân dược chưa rõ loại, trước khi đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng đã ngưng tim và ngưng thở. Ảnh: Báo Gia Lai.

Người thân cho biết, ông L. bị đau nhức mắt, mắt có ghèn nên đã tự đến tiệm thuốc tây trong xã mua thuốc về uống. Ông N.V.L đã uống 4 loại thuốc, chưa rõ cụ thể từng loại.

Sau khi uống thuốc không lâu thì ông N.V.L bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đã đến Trạm y tế xã sơ cứu. Tại đây, người đàn ông 50 tuổi này bị ngất xỉu nên người nhà tiếp tục đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu nhưng đã tử vong.

Loét giác mạc do tự ý nhỏ thuốc mắt tại nhà

Đầu tháng 9/2023, Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Vũ M. (55 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng mắt đau, kết mạc đỏ, không mở được. Sau khi thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán loét giác mạc, cần điều trị ngay lập tức để hạn chế tối đa tổn thương giác mạc cũng như nguy cơ gặp biến chứng.

Liên quan đến trường hợp này, báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, khi thấy dấu hiệu đỏ mắt, bệnh nhân M. đã tự mua thuốc về nhỏ. Ban đầu dùng kháng sinh không đỡ, người bệnh đã tự ý nhỏ thuốc mắt có chứa corticoid.

ThS.BS. Lê Việt Cường, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết, các thuốc bệnh nhân dùng nhỏ mắt có chứa kháng sinh và corticoid. Việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid mà không có đơn của bác sĩ là rất nguy hiểm.

Mặc dù thuốc corticoid có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, giảm đau, giảm các kích thích, nhưng khi chẩn đoán sai, nhận diện sai bệnh, ví dụ như loét giác mạc, thuốc có thể khiến tình trạng loét nặng hơn. Trường hợp loét giác mạc sâu, điều trị rất khó khăn và tốn kém, tuy nhiên tiên lượng không tốt.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Ảnh: VTV.

Bác sĩ khuyến cáo gì?

Gần đây, dịch đau mắt đỏ bùng phát, nhiều người tự ý mua thuốc điều trị bệnh tại nhà, song việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Với bất kỳ triệu chứng nào về mắt như cộm, đỏ, vướng..., ThS. BS. Lê Việt Cường khuyến cáo người bệnh nên đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác bệnh và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt, người bệnh không sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt, vừa không có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu. Hơn nữa, một số loài nấm hoặc vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc, dẫn đến viêm loét giác mạc, điều trị vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian, tốn kém song tiên lượng xấu.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi bị đau mắt đỏ cần nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng. Chủ động đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Mời độc giả xem thêm video: Chăm sóc mắt đúng cách giúp giảm cận thị


Nguồn video: Vinmec

Chia sẻ Facebook