Loạt dự án hạ tầng gần 200.000 tỷ giúp "lột xác" vùng Đông Nam Bộ
Sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây… là những hạ tầng “khủng” tạo động lực phát triển cho cả vùng.
Bản đồ các tuyến đường, sân bay giúp kết nối Đông Nam Bộ. Đồ hoạ: Tuệ Nhật.
Được khởi công vào tháng 10/2009, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Dự án này giúp lộ trình TP.HCM - Đồng Nai rút ngắn 20km, tạo điều kiện cho việc di chuyển từ TP.HCM đến Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa tới 2h chạy xe.
Không những thế, trước tình trạng quá tải của tuyến đường này, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý mở rộng 24km từ nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) lên 8 làn xe vào năm 2025, nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Trong ảnh là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua nút giao An Phú (Quận 2, TP.HCM).
Cũng trên tuyến cao tốc này, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cũng đang được xây dựng với vốn giai đoạn 1 khoảng 5 tỷ USD. Việc triển khai sân bay Long Thành góp phần giúp gia tăng lượng khách đến Việt Nam, đặc biệt là các địa điểm du lịch ở Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài 54km, đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai, tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, đang được gấp rút hoàn thành. Đây là dự án cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, với cao tốc này, quãng đường từ Long An tới Đồng Nai được rút ngắn xuống còn 2h, tạo điều kiện cho vùng Đông Nam Bộ kết nối dễ dàng với miền Tây.
Ngoài ra, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được đề xuất đầu tư công với tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Theo báo cáo, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7km, điểm đầu tại tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với Quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa. Khi hoàn thành dự án không chỉ giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 51 mà còn đóng vai trò lớn trong việc kết nối với sân bay Long Thành tạo đà phát triển cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và Hồ Tràm nói riêng.
Ngoài giao thông đường bộ và hàng không, giao thông đường thuỷ cũng được quan tâm đầu tư. Đầu năm 2021, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu được đưa vào khai thác. Phà biển được thiết kế hai thân theo công nghệ của Australia, công suất 2.900 mã lực, tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ. Với phương tiện này, hành khách chỉ mất 30 phút để di chuyển từ huyện Cần Giờ (TP.HCM) đến TP Vũng Tàu.
Con đường giao thông huyết mạch - tỉnh lộ 994, dài 78km chạy ven biển Vũng Tàu - Bình Châu sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, con đường này sẽ phục vụ phát triển du lịch phía Đông và kết nối vận tải liên tỉnh.
Loạt hạ tầng trọng điểm kết nối Đông Nam Bộ và các địa phương đang được triển khai đã tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi động, tập trung nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Tiêu biểu là Vũng Tàu đứng thứ 8 trong hạng mục 10 địa điểm du lịch Việt Nam được tìm nhiều trong năm 2021. Đây là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước nhờ vị trí thuận lợi, khí hậu ôn hòa, nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách...
Theo Phùng Tiên - Quỳnh Hương
Trí Thức Trẻ