Loạt doanh nghiệp chip tiềm năng Trung Quốc rơi vào danh sách đen của Mỹ
Tại trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến của Trung Quốc, các nhân viên của startup sản xuất chip PXW Semiconductor Manufactory bắt đầu hoang mang sau khi Mỹ đưa công ty của họ vào danh sách đen trong tuần trước.
Loạt doanh nghiệp chip tiềm năng Trung Quốc rơi vào danh sách đen của Mỹ
“Hầu hết trưởng bộ phận và giám đốc đều đang phải họp khẩn cấp, những nhân viên còn lại không được phép thảo luận về vấn đề nhạy cảm này”, một nhân viên nói. Người này cho biết thêm rằng văn phòng giám đốc của họ vẫn đóng cửa vào ngày 16/12, một ngày sau khi Mỹ bổ sung PXW, cùng với 35 doanh nghiệp khác của Trung Quốc, vào danh sách đen.
Nếu không được cơ quan quản lý của Mỹ chấp thuận, các nhà cung cấp của Mỹ bị cấm xuất khẩu thiết bị cho các công ty nằm trong danh sách đen này. Giới phân tích cho rằng động thái mở rộng danh sách đen là nhằm lấp những lỗ hổng trong quy định hạn chế được Washington ban hành hồi tháng 10/2022 (với mục đích ngăn Trung Quốc tiếp cận với loại chip tiên tiến, nhân tài và công cụ để sản xuất ra chúng).
Douglas Fuller, chuyên gia trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc tại Copenhagen Business School, cho biết: “Đó là một trò chơi ăn miếng trả miếng. “Bất cứ khi nào Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt, thì sẽ có những dự án mới xuất hiện và sẽ lại bị Mỹ cố gắng ngăn chặn sau đó”.
Mỹ bắt đầu sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc bằng cách đưa Huawei vào danh sách đen từ tháng 05/2019. Kể từ đó, Washington đã bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc, bao gồm các công ty giám sát video, nhà sản xuất chip, nhà phát triển máy bay không người lái, hãng sản xuất điện thoại thông minh và những viện nghiên cứu bị nghi ngờ phục vụ cho quân đội.
Trong số những công ty bị bổ sung vào danh sách đen tuần trước, một số, bao gồm cả PXW, chỉ mới bắt đầu phát triển hoạt động kinh doanh chất bán dẫn nên họ dễ bị tổn thương hơn so với những công ty lâu đời như Huawei.
Brady Wang, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Counterpoint, cho hay: “Chính phủ Mỹ đã nắm vững chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Trung Quốc và biết ai là ưu tiên và ai là người có tiềm năng trong tương lai”.
PXW được hậu thuẫn rất lớn, họ được chính quyền thành phố Thâm Quyến rót vốn và được lãnh đạo bởi một cựu giám đốc của Huawei. Theo hai nhân viên, startup này đã đặt hàng thiết bị từ nhiều công ty khác nhau của Mỹ, hàng dự kiến cập bến trong năm tới, nhưng giờ đây, họ có thể không bao giờ nhận được hàng.
Một công ty khác cũng bị bất ngờ khi bị liệt vào danh sách đen của Mỹ là Hefei Core Storage Electronic, được thành lập bởi các cựu nhân viên của công ty thiết kế chip VIA Technologies của Đài Loan (Trung Quốc) nhằm phát triển giải pháp thay thế cho bộ xử lý PC của Intel.
“Thật là một tin tức tồi tệ. Không ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ nằm trong tầm ngắm của Mỹ”, một kỹ sư của Hefei Core Storage nói.
Theo một quan chức thương mại phương tây, Mỹ có thể đã phát hiện ra rằng Hefei Core Storage đang nghiên cứu bộ vi xử lý phù hợp với siêu máy tính hoặc hỗ trợ Trung Quốc phát triển chip nhớ tiên tiến. Đây đều là lĩnh vực mà Washington nhắm tới khi ban hành loạt biện pháp kiểm soát hồi tháng 10/2022.
“Mỹ ngày càng hiểu rõ về ngành công nghiệp chip của Trung Quốc”, vị quan chức trên nhận định.
Danh sách đen của Washington cũng xuất hiện những cái tên nổi tiếng hơn.
Yangtze Memory Technologies (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Trung Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định kiểm soát mà Mỹ ban hành hồi tháng 10/2022. Một kỹ sư cấp cao của YMTC cho biết công ty đã tạm dừng kế hoạch mở rộng và yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ hoàn lại khoản thanh toán cho những thiết bị họ đặt hàng trước đó.
“Vào thời điểm đó, chúng tôi vẫn còn có thể xem xét rút lui để chế tạo những con chip kém tiên tiến hơn, nhưng bây giờ, số phận của chúng tôi gần như đã bị định đoạt”, kỹ sư này nói. Nói cách khác, YMTC gần như không thể xin được giấy phép nhập khẩu thiết bị để mở rộng sản xuất sau khi bị đưa vào danh sách đen.
YMTC đã tạm ngừng đàm phán với Apple về việc cung cấp chip nhớ cho iPhone tại Trung Quốc. Công ty nghiên cứu TrendForce dự đoán rằng công ty này có thể buộc phải rời khỏi thị trường dành cho các sản phẩm sử dụng công nghệ 3D NAND tiên tiến vào năm 2024, vì họ đã mất sự hỗ trợ quan trọng từ các nhà sản xuất công cụ để cạnh tranh với đối thủ.
Washington cũng đưa nhà phát triển thiết bị chế tạo chip nổi tiếng Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) vào danh sách đen. Đây là hy vọng duy nhất của Trung Quốc trong việc tự phát triển các máy quang khắc - một công cụ sản xuất chip tiên tiến quan trọng hiện do công ty ASML của Hà Lan thống trị thị trường.
Máy quang khắc của SMEE dựa vào các linh kiện nhập khẩu và chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt. Một quan chức Thượng Hải phụ trách dự án phát triển của SMEE cho biết công ty đã thành lập đội ngũ có kinh nghiệm để thay thế nhân viên hiện trường của ASML. Sau khi Mỹ ban hành biện pháp trừng phạt với Trung Quốc, ASML đã rút nhân viên hiện trường đang hỗ trợ SMEE về nước.
Danh sách đen của Mỹ cũng nhằm vào hoạt động phát triển chip hiệu suất cao của Trung Quốc khi trừng phạt nhà thiết kế chip Cambricon Technologies và 9 công ty con họ.
Cambricon được tập đoàn Alibaba và chính quyền Thượng Hải rót vốn trước khi niêm yết trên sàn giao dịch Star của Trung Quốc vào năm 2020. Cambricon lấy tài sản trí tuệ từ công ty thiết kế chip Arm có trụ sở tại Vương quốc Anh và các công cụ thiết kế từ nhà cung cấp Cadence và Synopsys của Mỹ. Họ cũng dựa vào TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất chip của mình.
“Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, nó có thể có tác động rất tiêu cực đến chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm trong tương lai của công ty”, Cambricon cho biết.
Kim Dung (Theo FT)