Loạt doanh nghiệp bất động sản Novaland, Hưng Thịnh Land, Phát Đạt, CenGroup... "chạy đua" mua lại nợ trước hạn
Theo số liệu của FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 ở mức 21.850 tỷ đồng. Do đó, những ngày qua, các doanh nghiệp bất động sản đang "miệt mài" mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2022 (tính đến ngày công bố thông tin 01/12/2022), CTCP Tập Đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của NHTMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, CTCP Đầu Tư Đức Trung và CTCP City Auto.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10,599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242,865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Doanh nghiệp địa ốc tích cực mua lại trái phiếu trước hạn
Theo số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 ở mức 21.850 tỷ đồng. Những ngày qua theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố có thể thấy, doanh nghiệp bất động sản đang chạy đua để mua lại các lô trái phiếu này.
Cụ thể, hôm 5/12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) đã công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu doanh nghiệp NVLH2122015 trước hạn, với tổng mệnh giá phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, ngày phát hành 24/12/2021, ngày đáo hạn 24/12/2022. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 2/12/2022. Trước đó, Novaland đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.
Hôm 2/12, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cũng mua lại toàn bộ 4 triệu trái phiếu, tổng giá trị phát hành 400 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành vào ngày 28/12/2021, đáo hạn ngày 28/12/2023 và được mua lại vào ngày 24/11/2022.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Phát Đạt (mã: PDR) chỉ trong vòng hơn một tháng, tính từ cuối tháng 10 đến nay đã mua trước hạn 338,7 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp bất động sản khác mua lại trái phiếu trước hạn như CTCP Bất động sản Thế kỷ (CenGroup, mã: CRE), CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã: NRC), CTCP Kinh doanh bất động sản Thái Bình, CTCP Địa ốc Sacom…
Giải pháp g
iảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thống kê trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 147.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỉ đồng. Điều này không đáng lo ngại đối với các công ty bất động sản. Tuy nhiên, áp lực vẫn đáng kể từ năm 2023 (119.050 tỷ đồng) và năm 2024 (111.810 tỷ đồng).
Ông Lê Hoàng Châu lo ngại, doanh nghiệp dồn lực để mua lại các lô trái phiếu trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản và vốn vay sẽ “kiệt sức” không còn khả năng triển khai xây dựng dự án để giao nhà cho khách hàng. Do vậy, ông kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 theo hướng quy định chặt chẽ để đảm bảo nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn đánh giá tín nhiệm, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.
Bên cạnh việc mua lại trái phiếu trước thời hạn hoặc thỏa thuận hoán đổi trái phiếu lấy nhà ở của dự án với mức chiết khấu hấp dẫn (đến 40 - 50% giá bán cũ) hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn của trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm 1 năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.
Đồng thời cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Khi đó, các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 65.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị cho phép VAMC và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và chỉ cần Chính phủ có ý kiến sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư.
“Đề nghị sửa đổi Nghị định 65 theo hướng chỉ quy định nhà đầu tư mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có số dư tài khoản 2 tỉ đồng liên tục trong 90 ngày, thay vì 180 ngày như quy định hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.