Loạt chính sách thuế vẫn nằm chờ
Giá hàng hóa tăng mạnh khiến thu nhập người dân ngày càng teo tóp, nhưng đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đã gần 2 năm nay vẫn chưa được xem xét; xăng tác động lớn nhất đến CPI nhưng kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá xăng dầu mấy tháng nay vẫn nằm trên giấy...
Loạt chính sách thuế vẫn nằm chờ
Thuế thu nhập cá nhân chờ tính bằng năm
“Quá mệt mỏi khi nhiều năm qua đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những điểm bất hợp lý của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thuế này chiếm tới hơn 70% trong tổng số thu, nhưng người làm công ăn lương không thể tập hợp được tiếng nói để lên tiếng...”, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, thở dài khi nói về thuế TNCN. Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Nhưng đây chỉ là lần điều chỉnh mang tính tình thế khi chỉ số CPI vượt qua 20% theo quy định chứ không phải là chính sách hỗ trợ người lao động khi dịch Covid-19 bùng phát. Ngay ở lần điều chỉnh này, các ngưỡng thuế đã lạc hậu.
Trước đó, năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa ra tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung những bất cập của luật Thuế TNCN nhưng sau đó chìm xuống, không được đề cập đến để có những sửa đổi tổng thể. Một số bất cập được đề cập từ cách đây 5 năm như rút ngắn bậc thuế biểu lũy tiến đối với người làm công ăn lương từ 7 xuống 5, thu nhập vãng lai tăng từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới phải trừ thuế… cũng chưa được giải quyết. Thuế đứng yên trong khi bão giá càn quét khiến thu nhập của người lao động ngày càng teo tóp, chất lượng bữa ăn, chất lượng cuộc sống suy giảm. Suốt 2 năm qua, ông Trần Xoa nhiều lần kiến nghị cần giảm thuế TNCN ngay để có thể bù đắp mức tăng giá cả hàng hóa trong mấy năm qua, mức giảm ít nhất cũng bằng với thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) hiện đang được hưởng là 30%.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nói: Cứ chờ đợi sửa luật Thuế TNCN thì không biết đến chừng nào trong khi người làm công ăn lương đang phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống. Hơn 70% tổng số thu đến từ nguồn tiền lương, tiền công, vì vậy cần có quyết sách giảm ngay 50% thuế TNCN cho người lao động trong 6 tháng cuối năm. Chính sách này nhằm chia sẻ, động viên họ suốt mấy năm qua trải qua những khó khăn, đồng thời góp phần hỗ trợ cuộc sống của họ. “Đừng nên quá tính toán đối với người chịu thuế làm công ăn lương mà cần tập trung nguồn thu vào những lĩnh vực còn chưa khai thác hết như thương mại điện tử, nhà đất... Có như vậy mới khoan được sức dân, vì thực tế chứng minh số thu từ sắc thuế này ngày càng tăng”, ông Tú nhấn mạnh.
Việc chậm ra quyết định giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng dầu khiến giá cả hàng hóa theo hiệu ứng domino tăng nhanh trong thời gian qua. Điều này gây thiệt hại cho nỗ lực phục hồi kinh tế. PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Dữ liệu cho thấy, số thu thuế TNCN liên tục tăng lên trong nhiều năm qua. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, sắc thuế này đã bổ sung cho ngân sách nhà nước đến 88.084 tỉ đồng, tương đương 74,5% dự toán đề ra cho cả năm 2022 là 118.075 tỉ đồng, tăng mạnh 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là sắc thuế có tốc độ tăng thu khá nhanh và khả năng cán đích sớm. Tốc độ tăng thu từ thuế TNCN kéo dài trong 9 năm trở lại đây. Năm 2013 (năm đầu tiên áp dụng luật Thuế TNCN, tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu lên 9 triệu đồng đối với người nộp thuế, từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc), thu thuế TNCN đạt 46.548 tỉ đồng, đến năm 2019 lên 110.000 tỉ đồng. Đáng nói, trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gần nửa năm nền kinh tế điêu đứng, sản xuất kinh doanh tụt giảm thì thu thuế TNCN cũng tăng mạnh, lên 123.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, số thu thuế này đã tăng gấp đôi cả năm 2013 và cao hơn cả số thu của cả năm 2017. Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương được điều chỉnh tăng lên 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc. Thế nhưng, số thu cũng chỉ giảm 2.000 tỉ đồng và lại tăng mạnh thêm 15.000 tỉ đồng qua năm 2021, lên mức kỷ lục cao nhất từ trong vòng 10 năm khi đạt 123.000 tỉ đồng.
Thuế xăng dầu cũng chỉ kiến nghị đi kiến nghị lại
Tương tự, loạt thuế đánh vào giá xăng dầu được đề nghị bỏ, giảm từ lâu, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Từ tháng 2 năm nay, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng, xăng dầu trong nước sau Tết nguyên đán cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. Đến tháng 3, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia phân tích, giá một lít xăng đang cõng 35% các loại thuế. Là mặt hàng thiết yếu, việc giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước. Vì vậy, nên bỏ ngay thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng, bỏ thuế bảo vệ môi trường (BVMT), giảm thuế giá trị gia tăng ( VAT ), giảm thuế nhập khẩu… để hạ nhiệt giá xăng dầu, hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển kinh tế. Thế nhưng cũng phải đến tháng 7, việc giảm thuế BVMT mới được thông qua dưới sự thúc giục và hành động của chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
“Các chính sách thuế, lệ phí, phí cần giảm đồng loạt để hỗ trợ kinh tế, có sức lan tỏa rộng hơn; không những kiểm soát giá cũng như lạm phát có xu hướng gia tăng mà còn giúp tăng trưởng kinh tế. Đừng sợ giảm thuế suất hay áp dụng các biện pháp hỗ trợ sẽ làm thất thu, giảm ngân sách nhà nước. Ngược lại, trong 30 năm qua, số thu ngân sách chưa bao giờ giảm khi triển khai các biện pháp hỗ trợ”. Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội |
Riêng thuế TTĐB, VAT , xuất nhập khẩu với xăng dầu thì đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Đáng nói, “sự im lặng” này diễn ra ngay ra trong thời điểm có nhiều dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tăng kỷ lục. Ngày 21.1.2022, xăng bán lẻ trong nước có giá từ 24.400 - 25.400 đồng/lít. 2 tháng sau, ngày 21.3 vọt lên 30.000 đồng/lít và tăng liên tục đến đỉnh điểm hơn 33.000 đồng/lít vào ngày 21.6. Đến tháng 6, thay vì đề xuất giảm “ngay và luôn” thuế TTĐB, thuế VAT để hạ nhiệt giá xăng sớm ngày nào hay ngày đó, Bộ Tài chính lại đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 12% và sau đó đề xuất giảm xuống 10%.
Cuối tháng 6, dưới sức ép dư luận, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế VAT đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, DN. Thế nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Mới đây, Chính phủ lại chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT cho xăng dầu và TTĐB cho xăng, và chưa biết bao giờ các đề xuất này mới được đưa ra xem xét, thực hiện.
Vấn đề là các đề xuất giảm thuế, ý kiến của các lãnh đạo cao cấp đưa ra rất sớm, song chẳng hiểu tại sao các đề xuất lại khá chậm và kéo dài. Ngay thuế TTĐB, được đề xuất giảm từ rất sớm, nhưng tình hình có thể chờ đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới mới được trình.
Giảm thuế nên được áp dụng ngay lập tức
Theo PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đề xuất giảm các loại thuế một cách hợp lý để hỗ trợ giảm giá xăng dầu có thể do Bộ quản lý đề xuất, Chính phủ trình, thì có thể quyết nhanh tại các cuộc họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và có thể báo cáo Quốc hội sau. Ngoài ra, Chính phủ có quyền sử dụng thẩm quyền của mình theo Nghị quyết Quốc hội để quyết trong tình huống nền kinh tế cần những quyết sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Chuyên gia này nhận xét: “Việc chậm ra quyết định giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng dầu khiến giá cả hàng hóa theo hiệu ứng domino tăng nhanh trong thời gian qua. Thế nên, trong tháng 7, dù giá xăng dầu giảm mạnh, giá cả hàng hóa vẫn không về lại như trước được. Điều này gây thiệt hại cho nỗ lực phục hồi kinh tế. Một mặt muốn giảm thuế, nhưng cơ quan quản lý tài chính lại lo lắng ảnh hưởng nguồn thu. Trong thực tế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thu từ xăng dầu cũng tăng mạnh, DN trong ngành này lại báo lãi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Rất tiếc cho đề xuất giảm thuế TTĐB lại không “bắt nhịp” với tình hình giá thế giới để người dân, DN và nền kinh tế phục hồi tốt hơn”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng các DN đang cố gắng khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này nhưng ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần phát huy, trợ lực hơn nữa để họ có thể tăng trưởng. Ngoài môi trường đầu tư, các DN, cá nhân cần được giảm chi phí hơn nữa để có điều kiện giảm chi phí giá thành, điều này cũng góp phần nào việc kiểm soát lạm phát. Để có thể giảm chi phí, có nhiều chính sách thuế, phí, lệ phí cần được hỗ trợ giảm ngay lập tức vì nó còn cần thời gian để đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng đối với giá xăng dầu, cần tiếp tục giảm thêm thuế TTĐB. Một sắc thuế có tác động hiệu quả tức thời giúp giá cả hàng hóa dịch vụ giảm, đó là giảm thuế VAT xuống 50%. Chính sách nên áp dụng đồng loạt đối với tất cả hàng hóa dịch vụ nhằm đỡ rắc rối cho DN thực hiện, giảm hiện tượng lách, tham nhũng, không phải xin - cho; đồng thời triển khai thực hiện ngay mà không chờ đợi hướng dẫn. Hiệu ứng của chính sách này có sức lan tỏa mạnh nên cần thực hiện nhanh trong bối cảnh lạm phát tăng. Bên cạnh đó, chính sách gia hạn, giảm thuế thu nhập DN cũng cần được tiếp tục triển khai qua năm 2023. Gia hạn thuế sẽ giúp cho DN có được nguồn vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần sớm điều chỉnh mức thuế suất thuế thu nhập DN xuống 17% thay vì 20% như hiện nay. Thực tế, DN đóng thuế thu nhập DN có khi lên đến 23 - 25% bởi một số chi phí không được công nhận khấu trừ. Việc điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập DN ngoài việc hỗ trợ DN cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế. Một vấn đề mà cơ quan chức năng hiện nay đang nợ DN, đó là điều chỉnh thuế suất đối với DN vừa và nhỏ thấp hơn mức 20% cần sớm thực hiện. DN vừa và nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương, do đó cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ này. Ngoài thuế, các DN, cá nhân hiện nay còn chịu nhiều loại phí, lệ phí khác như lệ phí trước bạ nhà, xe; phí giao dịch ngân hàng; phí giao thông… cũng cần giảm đồng loạt.
Nguyên Nga
Thanh niên