Loài trai 1,2m "nhả tơ vàng" tưởng đã tuyệt chủng bất ngờ tái xuất
Các nhà sinh học biển cho biết một loài trai khổng lồ tưởng chừng đã tuyệt chủng mới đây xuất hiện trở lại ở vùng biển ngoài khơi Croatia với số lượng tăng đột biến.
Loài trai này có tên gọi Pinna nobilis, còn được gọi là “trai bút quý tộc” hay “sò quạt”.
Theo các nhà khoa học, trai Pinna nobilis có thể sống tới 45-50 năm, khi trưởng thành dài tới 1,2m. Loài này chỉ được tìm thấy ở biển Địa Trung Hải, đứng thẳng như những chiếc thuyền, đầu nhọn của chúng neo trong những đồng cỏ biển đầy cát bằng những sợi tơ óng ánh như vàng.
Với lớp vỏ hình cánh được đệm lót bằng lớp xà cừ ánh kim và việc tạo ra những sợi tơ biển quý hiếm, tinh khiết, Pinna nobilis là một trong những biểu tượng đặc trưng nhất ở vùng Địa Trung Hải.
Vào thời cổ đại, những sợi tơ nhỏ mọc ra từ sự phát triển giống như râu của chúng được kéo thành lụa biển - một chất liệu tơ tằm cực kỳ hiếm có lấp lánh như vàng.
Một số người tin rằng loại tơ quý hiếm được khai thác từ biển này có thể là cơ sở cho truyền thuyết về lông cừu vàng được Jason tìm kiếm trong thần thoại Hy Lạp.
Ngoài ra, trai bút quý tộc còn được coi là một chỉ số về tình trạng của đại dương, thể hiện qua việc vỏ của chúng ghi lại những thay đổi hóa học và vật lý của vùng nước xung quanh. Chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển do khả năng lọc sạch nước đại dương, cung cấp môi trường sống trong lành cho các loài sinh vật khác.
Tuy nhiên, loài động vật thân mềm khổng lồ lớn thứ hai thế giới này đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng và được xếp vào danh sách những loài phải bảo vệ khẩn cấp.
Theo thống kê, số lượng trai Pinna nobilis bắt đầu suy giảm rất nhanh do nhiễm một loài ký sinh trùng lây lan ở vùng biển Địa Trung Hải vào năm 2016.
Ký sinh trùng, được tìm thấy trong hệ thống tiêu hóa của một số trai bút quý tộc đã chết, là từ chi haplosporidian. Loài này được cho là lây lan từ Hoa Kỳ qua việc hàng loạt hàu ở Vịnh Delwar đã chết trong những năm 1950.
Vẫn chưa rõ điều gì đã đưa “sát thủ” nhỏ bé đến Địa Trung Hải hoặc làm thế nào nó lan nhanh như vậy, mặc dù nó có thể đã bám theo thân tàu buôn. Nhưng căn bệnh này dường như phát triển mạnh hơn khi vùng nước ấm lên.
Loại ký sinh trùng này khiến trai chết vì đói một cách nhanh chóng. Tác nhân gây bệnh này đã gần như xóa sổ quần thể trai Pinna nobilis ngoài khơi Tây Ban Nha, sau đó lan sang các khu vực ven biển khác.
Các nhà khoa học Croatia cho biết số lượng trai Pinna nobilis đã giảm mạnh trên toàn khu vực, trong đó riêng vùng biển Adriatic thuộc Croatia cho đến gần đây chỉ còn khoảng 10 cá thể.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, một thợ lặn đã phát hiện khoảng 20 cá thể trai Pinna nobilis gần bờ biển phía Bắc bán đảo Istria.
Chuyên gia Sandro Dujmovic thuộc Tổ chức Natura Histrica, nơi quản lý các khu bảo tồn của Istria, cho biết các nhà khoa học khá bất ngờ trước thông tin này.
Theo ông, hiện chưa rõ nguyên nhân trai Pinna nobilis xuất hiện trở lại nhưng “đây là dấu hiệu cho thấy chúng vẫn đang tự sinh sản.”
Từ đầu năm đến nay, các nhà sinh vật học đã thu thập được khoảng 100 cá thể trai Pinna nobilis và đưa về bể thủy cung ở thành phố Pula của Adriatic.
Tại đây, chúng được nuôi dưỡng trong môi trường nước sạch, loại bỏ các loại ký sinh trùng, tăng sức đề kháng và khả năng sống sót, sau đó được trở lại tự nhiên.
Các chuyên gia cho biết Chính phủ Croatia đã quyết định tăng tài trợ cho các nghiên cứu về bảo tồn loài này.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, VTV)