Loại thực phẩm vừa đắng vừa xấu nhưng lại là "thần dược" cho sức khỏe
Những món ăn làm từ mướp đắng như mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt… rất tốt cho sức khỏe.
Ăn mướp đắng có tác dụng gì?
Giảm mức cholesterol xấu: Nước ép mướp đắng có tác dụng chống viêm và cũng giúp giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể. Qua đó, làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nước ép mướp đắng cũng duy trì huyết áp của cơ thể vì nó giàu kali, giàu sắt và axit folic được biết là có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ và giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh.
Bổ gan: Mướp đắng giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa, cải thiện chức năng của túi mật, và làm giảm ứ dịch; do đó nó rất hữu ích cho những người bị xơ gan, viêm gan, táo bón. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ việc giảm cân cũng như làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Uống ít nhất một ly nước mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp bạn tận hưởng những lợi ích này.
Đẹp da: Mướp đắng chứa nhiều loại vitamin, trong đó hàm lượng vitamin C cao tới 84 mg/100 g, gấp 5 lần mướp hương, 14 lần dưa chuột và 21 lần bí đỏ, đứng đầu trong số các loại rau. Vitamin C là một chất hỗ trợ đắc lực cho việc làm đẹp và chăm sóc da, nó có thể làm sáng các vết nám, ngăn ngừa sắc tố và thúc đẩy quá trình trao đổi chất của da, giúp da trắng sáng, mềm mại và mịn màng hơn.
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết bằng cách kiểm soát chuyển hóa glucose. Mướp đắng ức chế sự hấp thu glucose trong ruột và tăng cường sử dụng nó trong cơ bắp.
Chất chiết xuất từ quả, hạt và toàn bộ cây của mướp đắng được ghi nhận là có tác dụng hạ đường huyết (giống như insulin). Các saponin, ancaloit và polyphenol có trong mướp đắng có tác dụng tăng khả năng dung nạp insulin và hấp thu glucose.
Tăng cường sức khỏe gan: Ăn mướp đắng có thể kiểm soát tổn thương ôxy hóa vì nó có thể ngăn chặn sự tích tụ chất béo và cơ chế peroxy hóa lipid. Điều này làm chậm quá trình chết tế bào do viêm gây ra trong gan. Nó cũng tăng cường hệ thống chống ôxy hóa của cơ thể, tức là các enzym nội tại như catalase và superoxide dismutase. Hơn hết, chất chiết xuất từ mướp đắng có thể ngăn chặn tổn thương gan do uống rượu mãn tính.
Giúp giảm cân hiệu quả: Mướp đắng chứa ít calo, chất béo và carbohydrate. Nó giúp bạn no lâu hơn và do đó, nó có thể dễ dàng phù hợp với kế hoạch giảm cân của bạn. Chiết xuất từ quả mướp đắng giúp loại bỏ các tế bào mỡ ở người và cũng cản trở sự hình thành và phát triển của các tế bào mỡ mới.
Tốt cho hệ miễn dịch: Mướp đắng chống lại virus, vi khuẩn và tăng cường khả năng miễn dịch của bạn. Nó ngăn ngừa dị ứng và khó tiêu. Các chất chống oxy hóa hoạt động như một cơ chế bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh tật và cũng giúp chống lại tác hại của các gốc tự do có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau.
Tốt cho thị lực: Uống nước ép mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến thị lực như đục thủy tinh thể, vì nó có các hợp chất như beta-carotene và vitamin A giúp mắt bạn khỏe mạnh và tăng cường thị lực. Hơn nữa, nước ép mướp đắng là một biện pháp khắc phục tuyệt vời tại nhà để điều trị quầng thâm.
Có thể ngăn ngừa ung thư: Các nghiên cứu cho thấy mướp đắng có chứa một số hợp chất có đặc tính chống ung thư. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh chiết xuất mướp đắng có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, ung thư ruột kết mạc, ung thư phổi và vòm họng.
Những người hạn chế ăn mướp đắng
Dù mướp đắng có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe nhưng chính vì loại quả này có nhiều dược tính nên lương y Bùi Đắc Sáng khuyên rằng 4 nhóm người sau đây không nên ăn mướp đắng.
Người huyết áp thấp: Theo vị lương y, trong quả mướp đắng có chứa chất charantin, Polypeptid-P và Vicine có khả năng làm hạ đường huyết, dẫn đến tụt huyết áp, nên những người có tiền sử huyết áp thấp không nên sử dụng mướp đắng.
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Lương y Sáng cho biết, mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ăn nhiều mướp đắng có thể gây kích thích tử cung và dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
Người mới phẫu thuật: Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho rằng việc ăn mướp đắng ngay khi mới phẫu thuật sẽ gây cản trở quá trình kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Tốt nhất người bệnh nên ngừng ăn mướp đắng trong ít nhất 2 tuần trước và sau phẫu thuật.
Người có vấn đề về hệ tiêu hóa: Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, nếu lạm dụng, ăn quá nhiều mướp đắng có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến dạ dày. Lương y khuyên những người đang mắc bệnh tiêu hóa không nên ăn nhiều mướp đắng, nếu có thể kiêng thì càng tốt.
Lưu ý khi ăn mướp đắng tốt cho sức khỏe
- Bạn cần tránh uống trà ngay sau khi ăn mướp đắng kẻo ảnh hưởng dạ dày.
- Không nên kết hợp mướp đắng cùng các loại hải sản như tôm, cua… vì mướp đắng chứa vitamin C, khi kết hợp cùng asen có trong hải sản có thể gây phản ứng khó chịu, nặng hơn sẽ tạo thành thạch tín gây ngộ độc.
- Dù mướp đắng có thể làm giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nhưng nếu đang trong thời kỳ dùng thuốc hạ thấp lượng đường thì việc ăn mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn cho phép, gây hại cho sức khỏe.
- Nếu bạn không thích vị đắng, hãy thử ngâm trái cây trong nước muối 30-45 phút trước khi nấu.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Tiền Phong)