Loài sâu lông lá, gớm ghiếc không ngờ là đặc sản đắt hơn tôm hùm
Những con sâu mopane trông lông lá, gớm ghiếc nhưng có giá trị dinh dưỡng cao và giá cả đắt đỏ.
Những loài côn trùng như dế, cào cào, bọ cạp, kiến, châu chấu… trở thành món ngon độc đáo là điều không mấy xa lạ với con người. Thế nhưng đa số mọi người có thể sẽ rùng mình khi nghĩ đến việc ăn một con sâu hoặc sâu bướm. Những loài sâu trơn nhẵn trắng múp hoặc xanh mát trông hiền lành có thể sẽ khiến nhiều người suy nghĩ về việc ăn thử, nhưng để có thể thưởng thức loại côn trùng lông lá và đáng sợ thì sẽ cần nhiều can đảm hơn thế.
Loài côn trùng lông lá đang được nhắc đến là Mopane, loại sâu bướm lớn thuộc loài Gonimbrasia belina, thường được gọi là bướm đêm Hoàng đế. Nó được đặt tên là mopane, vì nó ăn lá cây mopane sau khi nở vào mùa hè và chỉ có thể được tìm thấy ở các quốc gia Nam Phi. Tuy có vẻ ngoài gớm ghiếc nhưng loài sâu này được coi là nguồn protein dồi dào cho người dân nghèo châu Phi qua nhiều thế hệ.
Không có tài liệu lịch sử về món ăn từ sâu Mopane ở Zimbabwe. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một hố thời kỳ đồ đá được phát hiện tại hang Pomongwe ở Zimbabwe trong đó có một ổ sâu mopane khô được cho là đã gần 6.000 năm tuổi.
Các nhà thám hiểm châu Âu và những người định cư đầu tiên đến miền nam châu Phi vào thế kỷ 19 cũng ghi lại việc thu thập và tiêu thụ sâu bướm. Nhiều thông tin hé lộ rằng đây là một tập tục có từ rất lâu đời của người dân châu Phi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sâu mopane có hàm lượng protein gấp 3 lần thịt bò. Ngoài ra, sâu bướm Monape còn là một nguồn cung cấp đáng kể các chất kali, natri, canxi, phốt pho, magie, kẽm, mangan, đồng.
Chính vì giá trị dinh dưỡng cao, việc buôn bán loại thực phẩm này đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá triệu đô, đem lại thu nhập cho nhiều phụ nữ và trẻ em.
Người dân các nước Nam Phi thường thu hoạch sâu bướm sau bão, đặc biệt là ở Zimbabwe. Khi sâu bướm trưởng thành, người ta thường dùng tay nhặt chúng trên cây (hoặc rung mạnh để chúng rụng xuống từ những cành cao hơn) sau đó bỏ vào thùng. Những con sâu cứng đầu không chịu rời khỏi lá sẽ bị gạt xuống bởi một chiếc que dài, và cơ thể chúng sẽ tiết ra một chất dịch nâu trơn nhớt. Kích cỡ trung bình của sâu bướm khi thu hoạch sẽ dài khoảng gần một bàn tay và to cỡ một điếu xì gà.
Sau khi thu hoạch người dân tiến hành làm sạch trực tiếp con sâu bằng cách bóp mạnh cho phần đuôi vỡ ra rồi nặn toàn bộ nội tạng nhơn nhớt màu xanh ra ngoài.
Tiếp đsó, khi đã rửa sạch, sâu được luộc trong nước muối và mang đi phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị. Tuy đơn giản nhưng công đoạn này sẽ mất nhiều thời gian.
Sâu Mopane sau khi phơi khô có thể ăn được luôn. Vị của chúng giống như khoai tây chiên muối và rất giòn. Tuy nhiên, hầu hết người dân bản địa đều thích chiên loại thực phẩm này với cà chua, tỏi, đậu phộng, ớt và hành tây.
Ngoài ra, sâu Mopane vẫn có thể nấu theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như trộn với nước xốt bơ cay hoặc xốt đậu phộng và dùng chúng với cháo ngô Nshima. Ít độc đáo hơn, sâu Mopane có thể hầm, luộc như các loại thịt thông thường, vị vẫn rất ngon.
Trong tất cả các món trên thì sâu Mopane khô vẫn được ưa chuộng nhất ở Zimbabwe và một số vùng lân cận ở miền nam châu Phi. Đây là một món ăn đặc biệt và thường chỉ được ăn trong những dịp quan trọng như Giáng sinh.
Được biết, trên Amazon, sâu Mopane sấy khô được bán với giá 0,6 USD/g. Tính ra, 1kg sẽ có giá khoảng 600 USD (tương đương 13,5 triệu đồng).
Minh Hoa (t/h)