Loại rau xưa cho trâu ăn nay thành đặc sản, người trồng dễ dàng thu 300 triệu/năm

Chia sẻ Facebook
17/09/2023 04:10:12

Ở vùng đất Hòa Bình có một thứ rau dại rất lạ. Loại rau này mọc hoang trong những vùng rừng thưa, xưa chỉ có trâu ăn, giờ thành đặc sản được ưa chuộng.

Rau mít rừng còn có tên gọi khác là mít ré, mít mi, thuộc họ dâu tằm. Thứ rau dại này mọc hoang trong những vùng rừng thưa, chỉ có trâu mới ăn, rồi người dân ăn thử và thấy ngon nên được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.


Chia sẻ với báo Nông Nghiệp Việt Nam , bà Bùi Thị Líu ở xóm Cao, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) năm nay 70 tuổi kể rằng, tới năm 40 tuổi bà mới biết ăn rau mít rừng nhưng ông Bùi Văn Ruồng chồng bà thì từ nhỏ đã biết ăn loại lá này. Ông bảo, đem lá nấu cá, nấu cua cũng hợp nhưng ngon nhất phải là xào cùng thịt trâu.

Điều đặc biệt là do nhựa của cây có tính a xít nên khi hái, ngày xưa người Mường không dùng tay ngắt mà dứt từng ngọn, ngày nay có găng thì đỡ hơn, khi chế biến phải nấu kỹ chứ không ăn tái. Món mít rừng được đồng bào trân trọng bày lên bàn thờ những ngày rằm, mồng một hay lễ, Tết nhưng phải xào riêng, không bỏ tỏi bởi quan niệm tỏi sẽ đuổi ma.


Hồi ông Ruồng đi bộ đội, thấy đơn vị sống trong rừng mà lại thiếu rau nên mới hái rau mít rừng về chế biến thì thủ trưởng sợ độc, bảo ông phải ăn thử một mình trong 3 ngày, nếu không bị sao mới đồng ý cho các đồng đội ăn. Hồi đi dạy học ở xã Trường Sơn, ông để ý thấy người Dao từ lâu đã biết ăn rau mít rừng, còn trước cả người Mường.

Anh Bùi Văn Khánh, con trai ông về sau lại tiếp tục sự nghiệp dạy học của bố. Khi thấy quán Hà Linh ở trong vùng thu mua rau mít rừng về đồ lẫn cùng các loại rau thập cẩm như hoa chuối, lạc tiên, bông bạc, lá đu đủ… được khách khen ngon, bán tới 40.000đ/kg nên anh về bàn với vợ trồng rau mít rừng. Chị Bùi Thị Xuyến, vợ anh phân vân nhưng được anh thuyết phục cứ trồng thử, thất bại tính sau.


Theo báo Hòa Bình , ban đầu hai vợ chồng chị Xuyến tìm đào những gốc cây rau mít to để trồng với suy nghĩ cây to thì nhanh thu hoạch. Nhưng khi trồng lại bị chết nhiều nên những lần sau vợ chồng chị đào cây nhỏ. Khi những đồi rau mít tự nhiên ở gần đã hết anh chị phải đi đến nơi xa hơn tìm cây giống.

Chị Bùi Thị Xuyến bên vườn rau mít rừng. Ảnh: Báo Hòa Bình

Có lần người bạn mách nơi có nhiều cây rau mít, vợ chồng chị Xuyến lại lặn lội đi tìm, không ngờ đã tìm được "mỏ” cây mít rừng, cây mọc san sát chen lẫn vào rừng keo. Chị nghĩ đây là cơ hội lớn nên tranh thủ đi đánh cây từ sáng đến tối, thậm chí phải thuê thêm 5 - 7 người.

Để trồng, chị thuê máy xúc múc hố theo từng băng như trồng chè, cây về là đặt xuống, không bón lót phân mà chỉ tưới nước.

Vốn là cây rừng nên rau mít rừng rất khỏe, chỉ cần bón phân gà, phân trâu ủ mục là lên. Lá cây do có nhiều nhựa nên ít loại sâu nào cắn được, không bao giờ phải phun thuốc, chỉ thi thoảng thấy loại sâu xanh có sừng thì bắt.

Các món ăn từ rau mít rừng được nhiều người ưa chuộng.


Khi trồng được nhiều mít rừng, chị Xuyến đem đi tiếp thị ở các nhà hàng cao cấp hơn, có những chỗ toàn khách tây, khách Hàn Quốc, đại gia Hà Nội đi đánh golf. Chủ quán thấy rau lạ không dám mua vì sợ độc, chị phải chỉ cho cách xào nấu rồi đứng đấy, chờ ăn xong không có vấn đề gì, ai cũng khen ngon thì mới rời đi.

Hiện nhà chị Xuyến có 1,2ha mít rừng, do nương rộng nên hôm nào cũng cho búp, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 10 là vụ chính, mỗi ngày thu 30 - 40kg, bán 60.000đ/kg; từ tháng 11 là vụ phụ, mỗi ngày thu 10kg.

Con dâu của chị Xuyến đang hái rau mít rừng cùng chồng. Ảnh: Dương Đình Tường/Nông Nghiệp Việt Nam

Mùa rét, cây mít rừng ngủ đông nhưng năm nay mãi chưa thấy lạnh, trời vẫn nắng chang chang nên mỗi ngày chị cũng thu được 30 - 40kg để cung cấp cho các nhà hàng trong huyện Lương Sơn. Tính ra mỗi năm, vợ chồng chị lãi được 300 - 400 triệu đồng.

Thấy trồng rau mít hiệu quả, nhiều người trong xóm, xã cũng trồng theo. Đến nay, riêng xóm Cao đã có 10 hộ trồng với diện tích 2.000 - 3.000 m2.

Giống rau trên rừng ít, chị Xuyến nghĩ đến việc nhân giống. Sau vài lần thử nghiệm nhân giống bằng hình thức giâm cành, chị chia sẻ: Cây rau mít có nhựa nên giâm cành tỷ lệ sống thấp, nhất là vào mùa rét nhưng khi đã sống thì cây khỏe, ít phải chăm bón. Cây không ưa nước úng. Nhiều người đã tìm đến mua cây giống, có người còn đặt hàng nghìn, hàng vạn cây để trồng trên đồi.

Ngôi nhà mới xây khang trang của vợ chồng chị Xuyến. Ảnh: Dương Đình Tường/Nông Nghiệp Việt Nam.


Trò chuyện với báo Hòa Bình , chị Xuyến tâm sự: Căn nhà 2 tầng của gia đình xây gần 1 tỷ đồng cũng phần lớn nhờ rau mít. Năm ngoái, 2 ha rau thu được 4 - 5 tấn, mỗi kg bán thấp nhất cũng được 50 nghìn đồng. Đầu tư, chăm sóc ít, chẳng cây gì trồng bằng cây này. Điều quan trọng là nhu cầu thị trường lúc nào cũng có. Giờ ngày càng nhiều người biết đến rau mít nên không lo đầu ra. Cũng từ rau, chồng chị có điều kiện đi học lên đại học, các con có kinh tế ổn định; nhiều người trong xóm có việc làm.

Chị Hoàng Thị Sợi ở xóm Cao, xã Cao Sơn cho biết: "Từ ngày chị Xuyến trồng rau mít, tôi cũng có việc làm thêm cho thu nhập ổn định. Việc hái rau theo hình thức khoán nên chủ động thời gian. Trung bình mỗi ngày thu nhập trên 200 nghìn đồng. Người có đất thì trồng rau mít bán, người không có đất, quá tuổi đi làm tại các công ty tranh thủ đi hái rau cũng có thu nhập. Giờ đây, những diện tích bỏ hoang nhiều năm của xóm đã được trồng rau mít. Lao động nhàn rỗi đi hái rau có thu nhập luôn nên ai cũng vui."


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook