Loại rau tưởng bỏ đi nhưng lại là "thần dược" cực tốt cho sức khỏe
Trong ẩm thực, rau ngổ là một loại rau gia vị được dùng nhiều trong các món ăn như làm rau sống mang lại hương vị đặc biệt thơm ngon và ngăn ngừa nhiều bệnh.
Công dụng rau ngổ
Rau ngổ còn gọi là rau ngổ thơm, rau ngổ trâu, cúc nước. Tên khoa học Enydra fluctuans Lour. (Hingtsha repens Roxb. Tetractis paludosa Blume). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, thân hình trụ nhẵn, phân cành nhiều, có mắt. Lá mọc đối, không cuống, phía dưới ôm vào thân, mép có răng cưa, dài 5cm, rộng 6-10mm…
Loại cây này mọc phổ biến trong các ao hồ khắp các tỉnh ở nước ta. Còn thấy ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc. Thường hái lá non, dùng tươi hay phơi khô làm thuốc.
Trong rau ngổ có 93% nước, 2,1% protid, 1,2% glucid, 2,1% xenlulosa, 0,8% tro. Ngoài ra, còn 0,72mg% carotene, 0,29mg% vitamin B, 2,11mg% vitamin C, một ít tinh dầu mùi thơm.
Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1 lít nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Trị sỏi thận: Rau ngổ có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận; do đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài. Lấy rau ngổ 50g, để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng 5 - 7 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với râu ngô, mã đề, cối xay. Kiên trì thực hiện bài thuốc này có kết quả khá tốt. Hoặc dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày). Hoặc dùng 50 - 100g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để uống.
Trị sỏi mật, sỏi thận (sỏi bùn, đá): 100g rau ngổ tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, thêm 1 muỗng canh mật ong uống vào buổi sáng lúc đói, liên tục 10 - 15 ngày.
Trị ban đỏ: Rau ngổ 20g, dây vác tía 20g, măng sậy 10g, đọt tre mỡ 10g, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống trong ngày.
Trị ho, sổ mũi: 15 - 30g rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày.
Trị cảm ho: Dùng khoảng 20g cây tươi, sắc uống.
Những lưu ý khi dùng rau ngổ
Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau ngổ vì tác dụng giãn cơ phủ tạng có thể gây sẩy thai.
Khi dùng dưới dạng tươi, do thân cây có nhiều lông tơ nên khó rửa sạch hết các vi khuẩn gây bệnh nên khi chế biến các món ăn, nhất là các món ăn sống, cần phải rửa rau cho thật sạch, nếu có thể ngâm thêm với thuốc tím nhằm tránh ngộ độc thức ăn từ rau ngổ; nhúng rau ngổ vào nước sôi có nhiệt độ 40 – 45 độ C để diệt trứng sán (vì những cây sống ở đầm lầy, ao hồ, thường hay có côn trùng hoặc trứng sán bám vào thân, lá cây).
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Kiến Thức)