Loài rắn độc nhất sẽ "vượt biên" sang Đông Nam Á vì biến đổi khí hậu

Chia sẻ Facebook
18/05/2024 06:11:15

Nghiên cứu mới cho thấy biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự di cư quy mô lớn của các loài rắn độc sang khu vực mới và các quốc gia chưa chuẩn bị cho điều này.


Các nhà nghiên cứu dự báo rằng Nepal, Niger, Namibia, Trung Quốc và Myanmar sẽ trở thành “bến đỗ” cho những loài rắn độc nhất từ các nước láng giềng do tác động của sự nóng lên toàn cầu, theo Guardian.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, các quốc gia thu nhập thấp ở Nam và Đông Nam Á cũng như một số khu vực ở châu Phi sẽ rất dễ phải chịu ảnh hưởng trước số vụ rắn cắn ngày càng tăng.

Một con rắn lục gaboon Tây Phi. Theo nghiên cứu, môi trường sống của loài rắn này sẽ tăng tới 250%. (Ảnh: iStock.)

Nghiên cứu đã mô hình hóa sự phân bố địa lý của 209 loài rắn độc được biết là gây ra tình trạng khẩn cấp về y tế đối với con người, để nắm bắt được các loài rắn có thể tìm thấy điều kiện khí hậu thuận lợi ở đâu vào năm 2070.


Kết quả cho thấy trong khi phần lớn các loài rắn độc sẽ bị thu hẹp phạm vi do mất hệ sinh thái nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì môi trường sống của một số loài như rắn lục gaboon Tây Phi sẽ tăng tới 250%.


Phạm vi phân bố của rắn lục châu Âu và rắn mọc sừng cũng được dự báo tăng hơn gấp đôi vào năm 2070.

Tuy nhiên, một số loài rắn, bao gồm loài rắn lục cây bụi đặc hữu ở châu Phi và loài rắn hổ lục hố ở châu Mỹ được dự đoán mất hơn 70% phạm vi phân bố.


Các tác giả nghiên cứu Pablo Ariel Martinez tại Đại học Liên bang Sergipe ở Brazil và Talita F Amado tại Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học Tích hợp Đức ở Leipzig, cho biết: “Khi ngày càng nhiều đất đai được chuyển đổi sang đất nông nghiệp và chăn nuôi, môi trường sống tự nhiên của loài rắn sẽ bị chia cắt và phá hủy”.


“Tuy nhiên, một số loài rắn đa năng, đặc biệt là những loài gây lo ngại về mặt y tế, có thể thích nghi với môi trường nông nghiệp và thậm chí phát triển mạnh ở một số nơi phát triển trồng trọt hoặc khu vực chăn nuôi cung cấp nguồn thức ăn như loài gặm nhấm”.

khi rắn độc bắt đầu xuất hiện ở những địa điểm mới, đó là lời cảnh tỉnh để chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cách có thể giữ an toàn cho bản thân và môi trường

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1,8-2,7 triệu người bị rắn độc cắn mỗi năm, khiến 138.000 người tử vong và ít nhất 400.000 người phải cắt bỏ chi và tàn tật vĩnh viễn. Vào năm 2017, WHO đã phân loại trúng nọc độc rắn cắn là một bệnh nhiệt đới bị bỏ quên có mức độ ưu tiên cao nhất.


“Cuối cùng chúng ta cũng đã hiểu rõ hơn về việc loài rắn sẽ thay đổi sự phân bố như thế nào do biến đổi khí hậu nhưng cũng có mối lo ngại lớn là chúng sẽ cắn nhiều người hơn nếu nhiệt độ ấm áp, thời tiết ẩm ướt khắc nghiệt và lũ lụt khiến rắn di chuyển và con người gặp phải nhiều nguy hiểm thường xuyên hơn ”, Anna Pintor, một nhà nghiên cứu của WHO về nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên, nhận định.


“Chúng ta cần hiểu rõ hơn chính xác điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những khu vực mọi người sẽ bị rắn cắn và số lượng ở mức nào để có thể chuẩn bị ứng phó”.


“Rắn cắn về bản chất là một cuộc xung đột con người-động vật-môi trường. Mô hình này không tính đến việc con người sẽ thích ứng/thay đổi như thế nào với biến đổi khí hậu. Nhưng nghiên cứu toàn cầu giải quyết được lỗ hổng kiến thức đáng kể” , Soumyadeep Bhaumik, giảng viên y khoa tại Đại học New South Wales ở Sydney, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.


“Nhu cầu các quốc gia chịu gánh nặng (rắn cắn) lớn phải hợp tác với các quốc gia láng giềng là điều mà nghiên cứu mới nhấn mạnh” , vị chuyên gia nói.


Ông nói thêm: “Xét cho cùng, biên giới quốc tế không dành cho rắn mà dành cho con người”.

Chia sẻ Facebook