Loại quả xưa là sản vật tiến vua, còn được gọi là "vương giả chi quả"
Chọn đáp án VẢI khiến người chơi bị loại. Nhiều khán giả cũng đồng tình với câu trả lời này. Trên thực tế, có khá nhiều loại trái cây tiến vua, nhưng mệnh danh "vương giả chi quả" thì đáp án chính xác phải là NHÃN.
Ai là triệu phú là một trong những gameshow truyền hình lâu đời, thu hút lượng lớn khán giả đón xem mỗi tối thứ Ba hàng tuần. Theo dõi chương trình, khán giả sẽ học thêm được nhiều kiến thức hay ho về thế giới mà mình chưa từng được biết hay nghe qua.
Với vô số câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, Ai là triệu phú cũng không ít lần khiến dân mạng phải bật ngửa, còn người chơi thì vô cùng hoang mang với những sự lựa chọn "tưởng dễ mà khó".
Một câu hỏi mới đây trong chương trình cũng khiến người chơi và nhiều khán giả "bé cái nhầm". Người chơi đầu tiên đã ra về dù còn kha khá quyền trợ giúp trong tay vì chọn nhầm câu trả lời. Cụ thể, câu hỏi của chương trình là:
Loại quả nào xưa là sản vật tiến vua, còn được gọi là "vương giả chi quả"?
Nhãn lồng phố Hiến được biết tới từ khoảng thế kỷ 16. Tại chùa Hiến tọa lạc giữa phố Hiến hiện vẫn còn cây nhãn tổ hơn 400 năm tuổi quanh năm tươi tốt, năm nào cũng sai quả, vị ngọt thơm, mã đẹp và được coi là "vương giả chi quả." Cây nhãn cũng là bảo tàng sống về giống nhãn lồng Hưng Yên được Lê Quý Đôn ghi vào sách Phủ biên tạp lục năm 1776.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng mô tả về hương vị của nhãn: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong kẽ răng, lưỡi nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho". Năm Minh Mạng thứ 11, nhân dân Hưng Yên đã chọn trái nhãn lồng vào Kinh đô để tiến Vua. Từ đó, nhãn lồng còn được gọi tên khác là "nhãn tiến Vua". Thứ sản vật nổi tiếng này không chỉ trong nước mà còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các nhà thương lái đến xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản với số lượng lớn ở thế kỷ XVI–XVII.
Cứ đến mùa lại lên, thời điểm thu hoạch nhãn là lúc người dân Hưng Yên tự hào nghêu ngao câu hát: "Dù ai buôn Bắc bán Đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên". Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, nhưng phải "bén duyên" với vùng đất màu mỡ nơi đây mới được xem là sản vật quý.
Theo y học cổ truyền, long nhãn không những là thức ăn ngon mà còn là một vị thuốc tốt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, dưỡng huyết, an thần, thêm trí nhớ, chữa suy nhược thần kinh, mệt mỏi, kém ngủ, hay quên, hoảng hốt. Hiện tại, nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nghiêm ngặt, không sử dụng các hóa chất độc hại nhằm thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế.
Bên cạnh nhãn, quả vải hay còn gọi với tên Lệ chi là loại cây ăn quả quý, trong đó vải thiều Thanh Hà, Hài Dương là loại quả tiến vua vô cùng nổi tiếng của Việt Nam. Vải thiều quả dáng tròn, to vừa phải, vỏ mỏng, bóc ra múi vải dày, mọng nước và đặc biệt gần như không bị sâu đầu như nhiều dòng vải khác.
Hạt quả vải thiều rất bé thêm cùi dày, thơm nên ăn quả vải đúng chuẩn, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thịt quả ngập răng. Quả vải thiều ngọt đậm, mùi thơm nhẹ nên đưa vào miệng, đôi khi thấy tỉnh cả người vì ngon quá.
Cây vải thiều được xác lập lâu năm nhất Việt Nam là cây vải ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Cây có tuổi đời hơn 200 năm. Người có công trồng cây vải tổ là cụ Hoàng Văn Cơm (SN 1848). Có được cây vải tổ, người dân Thanh Hà (Hải Dương) coi đây là một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà ngon trứ danh.