Loại quả ở Việt Nam chỉ là quả dại, lên kệ siêu thị nước ngoài giá 700.000 đồng/kg đôi khi không có mà mua
Ở Việt Nam, loại quả dại này có hình tròn, nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp bọc mỏng, giống hình lồng đèn nhưng rất tốt cho sức khỏe.
Loại quả dại đắt đỏ, nhiều người trên thế giới yêu thích
Ở Việt Nam, tầm bóp phát triển phổ biến ở khắp mọi nơi. Trước đây, nó mọc dại là chủ yếu, tuy nhiên ngày nay biết được những lợi ích giá trị của nó, nhiều vùng đã trồng cây tầm bóp như một loại rau ăn hàng ngày, hoặc làm thuốc chữa bệnh.
Cây tầm bóp tên khoa học là Physalis angulata. Đây là cây thân thảo, thuộc họ cà, nguồn gốc từ các nước châu Mỹ nhiệt đới và sống như cỏ dại.
Cây tầm bóp sống tập trung ở vùng khí hậu nhiệt đới, chúng thường mọc dại dọc theo hai bên đường đi, bờ ruộng, trong vườn, trên bãi cỏ hay các khu đất hoang. Ngoài ra, cây tầm bóp còn được tìm thấy ven các khu rừng có độ cao dưới 1.500m tính từ mặt nước biển.
Quả tầm bóp chín ăn có vị ngọt ngọt, rôn rốt chua và chứa nhiều hạt. Có thể bóp quả tầm bóp lấy hạt phơi khô để gieo vào giữa mùa xuân tới đầu mùa hạ.
Theo báo Tiền Phong , tầm bóp là quả dại Việt Nam nhưng có giá 700 nghìn đồng/kg ở Nhật Bản. Tầm bóp được người Nhật mua về làm thuốc hoặc dành cho những người ăn kiêng. Theo đó, quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm... vì thế đây còn được dùng như một vị thuốc Nam.
Trước đó, tầm bóp Nam Mỹ nhập khẩu về Việt Nam được bán với giá khá "chát" cạnh tranh với các phân khúc trái cây cao cấp như cherry, việt quất, phúc bồn tử, dâu tây.
Theo chị Ninh, ngoại hình của tầm bóp mọc dại ở quê và giống quả Nam Mỹ thì khá giống nhau, chỉ khác ở kích thước, màu sắc và giá tiền.
"Một kg tầm bóp Nam Mỹ tôi mua ở cửa hàng là 400.000 đồng/kg. Quả to, tròn, đều, 10 quả như 10, hương thơm dịu. Ngoài ăn trực tiếp, thì tôi hay ép quả lấy nước uống, làm salad hoặc trang trí đồ ăn, bánh kem ở nhà" chị Ninh chia sẻ với Dân Trí .
Món ngon từ cây tầm bóp
+ Luộc rau tầm bóp: Ngoài quả cây tầm bốp (thù lù) còn ăn được cả lá. Mùa hạ hái lá tầm bóp, ngọn thù lù đực tươi xanh chỉ việc đem luộc chấm mắm tỏi là có món ăn lạ miệng thơm mát. Phần nước làm canh ngọt lành nhẹ nhàng bởi được đổi vị mới, có chút đắng ngọt nằm lại nơi đầu lưỡi. Không chỉ vậy khi kết hợp tôm nõn với thù lù ngọt mát sẽ cho món canh giải nhiệt như ý.
+ Xào thịt bò với rau tầm bóp: Thịt thăn bò thái thật mỏng, đem ướt mươi lăm phút cùng gừng, tỏi và chút dấm, chút tiêu bắc. Lửa cho thật to, chảo cho thật nóng, cho dầu xào thịt bò đã tẩm ướp chín tới thì bỏ rau vào đảo đều. Vị đắng ngọt của rau thù lù hòa thấm cùng vị ngọt thơm của thịt đưa lại hương vị thật đặc biệt.
+ Rau xào tỏi: Khi bắc rau thù lù xào bò ra khỏi bếp hương bốc còn nghi ngút nhớ cho tỏi đập dập sẽ càng thêm dậy mùi. Đang cơn nóng bức, đang trong khát thèm háo hức có món rau thù lù xào thịt bò thì đố ai dừng được.
Lợi ích cây tầm bóp đối với sức khỏe chúng ta
Mặc dù mọc dại nhưng cây tầm bóp được biết đến là vị thuốc đặc biệt nhờ tác dụng làm mát gan, giải độc và thanh lọc cơ thể. Không chỉ đơn giản làm thức ăn, sử dụng tầm bóp còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Có thể hỗ trợ điều trị ung thư
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bổ sung lượng thực phẩm giàu vitamin C như tầm bóp sẽ có lợi trong điều trị nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư miệng.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Trong quả tầm bóp chứa lượng vitamin C dồi dào. Chất này có tác dụng tốt trong việc chống lại các gốc tự do gây hại cho mạch máu, từ đó điều hòa mạch máu, giúp hệ tim mạch khỏe mạnh. Vitamin A trong cây còn giúp kiểm soát cholesterol trong máu, giúp cải thiện bệnh lý về máu.
Tốt cho mắt
Lượng vitamin A trong loại quả này giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt, giúp mắt thích nghi tốt hơn trong bóng tối. Hơn nữa, cây tầm bóp sẽ giữ cho võng mạc khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
Những lưu ý khi sử dụng tầm bóp
Loại cây này mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng việc sử dụng tầm bóp làm thuốc cũng cần phải thận trọng. Theo đó, dùng tầm bóp để hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường, tránh việc lạm dụng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì thế, việc sử dụng tầm bóp làm thuốc cần lưu ý những điều sau đây:
- Những người có cơ địa dị ứng tránh sử dụng tầm bóp.
- Không dùng cây tầm bóp cho người đang cho con bú, phụ nữ có thai.
- Lưu ý sau khi sử dụng thuốc từ tầm bóp, nếu có những biểu hiện như buồn nôn, khó thở, tức ngực, nổi mẩn ngứa,... cần dừng lại ngay.
Trúc Chi (t/h)