Loại quả đắt đỏ giá tới 800 triệu đồng/kg, ở Việt Nam nhiều người tặng miễn phí

Chia sẻ Facebook
01/09/2023 15:58:55

Trên thế giới, loại quả này có thể bán với giá hơn 500 triệu đồng/kg nhưng ở Việt Nam, có người đem tặng cả cân cho những ai có nhu cầu trồng.


Ớt Aji Charapita xuất xứ từ Peru, được mệnh danh là gia vị đắt nhất thế giới và ít được trồng đại trà nên càng trở nên quý, hiếm. Loại gia vị này được nhiều nhà hàng cao cấp và giới nhà giàu ở một vài nơi trên thế giới săn đón. Tại một số quốc gia, giá của loại ớt này được bán cho các nhà hàng cao cấp tới 25.000 USD (khoảng 560 triệu đồng) một kg. Thậm chí, có thời điểm giá bán ớt Aji Charapita lên tới 35.000 USD (hơn 800 triệu đồng).

Kích thước của giống ớt có nguồn gốc từ phía bắc Peru này chỉ to ngang hạt đậu. Loại ớt này cung cấp hàm lượng Vitamin C cao gấp nhiều lần ớt thường. Khi ăn, ớt ớt Aji Charapita cay nồng, thơm đặc trưng riêng, dư vị đọng lại.

Ớt Aji Charapita có thể dùng để ăn sống hoặc được giã nhỏ thành dạng bột để làm gia vị cho món ăn. Khi ăn sống, ớt Aji Charapita có vị hoa quả tươi ngon giúp món salad hoặc các loại sốt có hương vị mới lạ hơn hẳn.

Để sở hữu những quả ớt này, người mua tìm khá khó khăn. Vì loại này không được trồng phổ biến trên thế giới nên mọi người chủ yếu đặt mua hạt giống về tự trồng. Lý do là ớt Aji Charapita rất khó tìm nguồn ở bên ngoài Peru trừ khi mua hạt giống trực tuyến và tự trồng.

Ở Việt Nam, một số nông dân đã trồng thành công giống ớt Aji Charapita, trong đó có anh Lê Tiến Dũng (biệt danh Dũng "ớt") ở thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng.

Trái ớt và cây ớt được mệnh danh đắt nhất thế giới đang được trồng nhiều ở Việt Nam. Ảnh Lê Tiến Dũng/báo Thanh Niên.


Chia sẻ với báo Thanh Niên , anh Dũng cho biết, giống ớt có nguồn gốc từ Peru, được mệnh danh đắt nhất thế giới này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2012. Nhưng phải 8 năm sau, nó mới gây nên cơn sốt. Từ cuối năm 2020 tới nay, rất nhiều người hỏi giống cây ớt này. Do đó, trước đây chỉ bán sỉ ớt và xuất ra các thị trường nước ngoài, bây giờ anh Dũng cũng cung cấp cây giống ớt, cây đã cho hoa và bán lẻ quả ớt tới tay người tiêu dùng trong nước.

Theo anh Dũng, để cây ớt khi trồng ở Việt Nam có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất, cho hoa, trái nhiều, trái đạt chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo như giống ớt Peru thì nên mua cây giống đảm bảo chất lượng để trồng, chứ không thể trồng bằng hạt lấy từ quả ớt. Hiện tại, phương pháp nuôi cấy mô đang được nhiều chuyên gia cây giống thực hiện. Khi đó, từ một tế bào cây ớt đắt nhất thế giới mang từ Peru về, được nuôi dưỡng trong môi trường phòng thí nghiệm trong chai thủy tinh, sau một thời gian nhất định thì mang ra môi trường bên ngoài trồng.

Chị Võ Thị Thương, chuyên cung cấp các loại phân bón kích rễ cây và cây giống ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk cho biết, khi mới ăn trái ớt Aji Charapita đắt nhất thế giới thì nên nhấm nháp một chút từ từ để quen vị cay, “ăn một lúc cả quả là cay không thở được”, chị Thương miêu tả. Chị Thương nói, quả trái ớt Aji Charapita đắt nhất thế giới nhỏ, xíu, bên trong từ 12 tới 20 hạt. Vỏ giòn, ăn thơm, ăn một lần là nhớ mãi.


“Ớt đắt nhất thế giới này phù hợp nhất là nơi khí hậu mát như Lâm Đồng . Những nơi lạnh quá thì khó trồng, còn nóng quá thì cũng có thể sống nhưng cho hiệu quả ra trái thấp hơn. Cây tán rộng thì càng sai trái, một cây sai trái nhất có thể thu hoạch trọng lượng quả là vài trăm gram”, chị Thương cho hay.

Chị Thương bắt đầu trồng ớt Aji Charapita, ớt đắt nhất thế giới này từ năm 2020, cây sinh trưởng phát triển tốt, dễ sống, tuổi thọ của cây cao, có thể tới 5 năm, thu hoạch trái xong lại chăm sóc, cây lại cho trái. Một số cây hay bị nấm có thể dùng một số thuốc trị nấm cho thực vật.

Chị Thương cho biết cách đây vài năm có thể một ký ớt Aji Charapita có giá 7 triệu tới 10 triệu đồng một ký, chuyện đó là có thật. Tuy nhiên, bây giờ ớt này được trồng nhiều ở trong nước, bây giờ 3 triệu, 4 triệu đồng một ký ớt là có giá rồi.

Như vậy, giá của loại ớt này khi bán ở nước ta đã thấp hơn rất nhiều so thế giới. Nhưng nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên hơn khi thấy loại ớt đắt nhất thế giới này lại có người đăng công khai trên mạng xã hội để tặng cho những ai có nhu cầu.


Sau bài đăng lên mạng, chị Đỗ Mỹ Dung (Rạch Giá, Kiên Giang ) – người đem tặng ớt Aji Charapita, đã nhận được hàng nghìn tin nhắn và bình luận với mong muốn nhận được những quả ớt này miễn phí.

Chị cho biết loại ớt này chỉ một tuần là có thể thu hoạch được, tính từ thời điểm có quả nhỏ. Trong vườn, chị có khoảng chục cây nên ngày nào chị cũng thu được khoảng vài chục trái ớt chín.


Chia sẻ với Dân Việt về lý do đem tặng mà không bán loại ớt có giá đắt nhất thế giới này, chị Dung chỉ tay vào những cây ớt trong vườn nhà mình và nói: “Cây ớt này là quà tặng của một người bạn thân của tôi. Anh ấy là một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Tp.HCM. Anh đã tặng cho tôi một ít để ăn và cảm nhận vị của nó. Đồng thời, anh ấy nói cho tôi biết giá trị của chúng”.

Sau khi ăn thử, chị Dung thấy rất thích vị của loại ớt này. “Trái nhỏ xíu nhưng ớt rất cay và giòn, có nước và thơm lắm. Nhưng vị cay cũng tan nhanh, không đọng lại lâu như ớt nước ta. Nói chung, vị của nó rất đã, ăn một lần nhớ mãi”, chị nhận định.

Sẵn có vườn, chị đã bảo người nhà đem gieo hạt, không ngờ chúng lại mọc thành cây. Và gần đây, chúng mới ra quả nên chị muốn tặng lại cho mọi người. "Mình được tặng thì giờ tặng lại mọi người thôi", chị Dung tâm niệm.

“Tôi muốn mọi người cùng thưởng thức và biết đến vị của loại ớt đắt đỏ nhất thế giới này. Thâm tâm cũng muốn biết đâu từ loại ớt tôi chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhân giống và phát triển kinh tế”, chị cho biết thêm.


Tìm hiểu được biết, ớt Aji Charapita có nguồn gốc từ Peru, đa phần mọc hoang dại. Chúng là loại cây trung hạn, có độ cao 40 - 55 cm, tán rộng 35 - 45 cm, sinh trưởng tốt khi ở nhiệt độ 16 - 45 độ C, cho thu hoạch quả sau 90 ngày. Mỗi cây có hàng trăm quả nhỏ tròn, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng phổ biến hơn cả.


Độ cay của loại ớt này lên tới 30.000 đến 50.000 độ cay Scolville, thậm chí còn cao gấp 4-20 lần ớt jalapeño nổi tiếng. Theo mô tả, độ cay này thậm chí có thể "làm thủng" lưỡi, được khuyến cáo không nên ăn tươi.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook