Loại lạc có màu lạ, giá đắt gấp đôi lạc thường nhưng vẫn hút khách

Chia sẻ Facebook
29/07/2023 01:19:35

Dù có giá đắt hơn lạc trắng và lạc đỏ nhưng loại lạc này vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tìm mua.

Lạc đỏ và lạc trắng là 2 loại lạc thông dụng. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được tại các chợ và siêu thị với mức giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, loại lạc có màu đen đang được rao bán giá dao động từ 170.000 – 200.000 đồng/kg. Dù giá đắt nhưng khi biết đến công dụng của loại lạc “thần thánh” này nhiều người đã liên tục hỏi mua.

Không phổ biến như lạc đỏ và lạc trắng, lạc đen còn khá mới lạ với nhiều người tiêu dùng.

Ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản… lạc đen được coi là một trong những thực phẩm quan trọng, có kẽm và selen nhiều hơn lạc thường tới 48 - 101%, nên còn được gọi là lạc selen. Đây được coi là một chất giải độc kỳ diệu giúp thải trừ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể.

Lạc đen có phần vỏ ngoài màu đen, ruột bên trong màu trắng sữa. Được biết, chính lớp vỏ lụa đen này là thứ rất tốt cho thận, chống bức xạ và tăng cường đàn hồi của da.


Chia sẻ với Tiền Phong , anh Nam, một cựu du học sinh tại Nhật Bản, cho biết, người Nhật rất chú trọng sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khoẻ và lạc đen là một trong số đó. Tại Nhật, lạc đen được đánh giá chất lượng cao hơn hẳn so với các sản phẩm cùng họ và công dụng của nó còn được ví với cả sâm.


Hiện nay, lạc đen đã được trồng ở một số nơi tại Việt Nam như Hòa Bình, Lâm Đồng … Giống lạc này còn mới, năng suất chưa cao nên sản lượng ít, hàng cung ứng ra thị trường không có nhiều.

Lạc đen có phần vỏ ngoài màu đen, ruột bên trong màu trắng sữa.


Chị Hoàn Nguyễn (Sơn La) cho biết chị đã bán lạc đen được 2 năm nay. Về nguồn hàng, chị lấy lạc đen từ một nhà vườn họ hàng tại Điện Biên. “Tôi là người bán hàng online, thấy sản phẩm nào độc – lạ là tôi nhập về bán. Lạc đen là của một người họ hàng trên Điện Biên trồng, tôi cũng nhập về bán thử từ năm ngoái. Lượng tiêu thụ cũng rất tốt nên năm nay tôi lại nhập về bán tiếp”, chị Hoàn Nguyễn nói với Nông Thôn Việt.

Đợt này, chị cho biết mới nhập về được khoảng 50kg. Sau 2 ngày, lạc đã bán gần hết, chỉ còn vài cân nữa. Theo chị, loại lạc đen này cũng khá kén khách, một số người do tò mò mà đặt mua, cũng có người tìm hiểu, biết được công dụng của chúng thì mua về ăn.

“Khách hầu như là chỉ đặt 1-2 cân thôi, không có khách nào đặt mua nhiều. Tôi nghĩ do loại lạc này còn mới, giá lại cao nên khách hàng chưa biết đến nhiều về công dụng thực sự của nó. Họ mua hàng với suy nghĩ ăn thử xem thế nào nên họ mua ít lắm”, chị chia sẻ.

Hiện, chị đang bán lạc đen với mức giá 170.000 đồng/kg cho khách lẻ. Còn khách sỉ lấy từ 10kg trở lên sẽ có giá thấp hơn.

Cũng nhập lạc đen về bán trên mạng, chị Huyền cho biết: “Hàng siêu hiếm, mỗi đợt hàng về mình chỉ có từ 30-40kg, về trả cho khách đặt hàng trước là hết chứ ít khi còn để rao bán. Lạc đen của mình là lạc của bản Mông, đắt nhưng sắt giá miếng, vị của lạc sống mà thơm như lạc đã rang”.

Trong khi đó, chị Duyên (Điện Biên) cho biết: “Tôi cũng nhập về bán thôi chứ không phải nhà tự trồng. Do là loại lạc mới, lạ, giá cả lại cao gấp 2 lần so với lạc đỏ nên tôi cũng chỉ dám nhập số lượng ít để bán thêm”, chị thông tin.

Theo chị, lạc đen chế biến như lạc đỏ, có thể rang lên ăn, nấu xôi hoặc làm một số món như muối lạc, làm sữa hạt, nấu chè… Lạc đen bóc sẵn thường được đóng gói 1kg để được trong vòng 6 tháng. Sau khi mở túi nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và ăn được trong 3 tháng.

Nhiều người nhận xét lạc đen ăn thơm, bùi hơn so với lạc trắng. Khi ăn phải ăn cả phần vỏ đen thì mới có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Vài năm trước, lạc đen khan hàng, nhiều khách hỏi mà phải từ chối, chị Thủy (Hưng Yên) cho biết đã xin hạt giống về và trồng thử trong thùng xốp tại nhà và cho biết vì là năm đầu tiên trồng nên hạt non nhiều, tuy nhiên lạc ăn vẫn rất ngọt. Chị thu được hơn 100kg lạc, cũng phần nào đáp ứng được cơn sốt lạc đen của các chị em. Lạc đen dễ trồng nên chị cung cấp cả hạt giống để khách có thể tự trồng tại nhà.


Chị Nhung ( Hà Nội ) thì cho biết: “Mình hay dùng lạc để nấu xôi. Lạc đen trên nền xôi trắng nhìn rất đẹp mắt. Lạc có mùi thơm nồng, hơi giống mùi cafe, ăn vị bùi bùi”.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook