Loài gà quý của Việt Nam, tưởng như chỉ có trong truyền thuyết

Chia sẻ Facebook
07/11/2023 04:58:22

Gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh như là một sính lễ mà Vua Hùng đòi hỏi để kén rể cho con gái.

Gà chín cựa có tướng mạo hùng dũng kèm bộ lông ngũ sắc, mào đỏ như máu, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang. Đặc biệt, gà có đôi chân to, chắc và đều 4,5 cựa mỗi bên, mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong như lưỡi câu liềm.

Gà chín cựa có vóc dáng cao, mào đỏ, mắt tinh anh.

Có 2 loại cựa: cựa sừng và cựa thường (ngón).

Gà chín cựa là loài gà hung dữ, lông cổ xù lên thách thức với đôi mắt đỏ lừ, có thể tung ra cú đá chí mạng để hạ gục hoặc khiến đối thủ sợ hãi, bỏ chạy.

Tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ gà chín cựa được nuôi trong điều kiện thả tự nhiên nên khả năng thích nghi với môi trường sống và khả năng chống chịu dịch bệnh cao. Gà chín cựa rất khỏe, thông minh, phản xạ và tốc độ theo bản năng của gà rừng: lên đồi đào giun, bắt dế, tối về ngủ sàn, ngủ cây.

Gà chín cựa ở Tân Sơn có kích thước nhỏ, con lớn nhất chỉ nặng khoảng 1,5 – 2,5kg/con. Số lượng gà nhiều cựa thuần chủng tại huyện Tân Sơn hiện nay không còn nhiều, tỷ lệ ấp trứng tự nhiên từ 30 – 35% nên những con gà đủ 9 cựa đang trở thành của hiếm.

Gà 9 cựa được nhiều tay chơi gà "săn lùng" với giá hàng chục triệu đồng về chơi Tết, làm cảnh.


Gà chín cựa tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, nay có thật ngoài đời và đẻ ra “trứng vàng” đ ược nhiều người quan tâm. Gà chín cựa được nhiều đại gia, tay chơi gà "săn lùng" với giá hàng chục triệu đồng về chơi Tết, làm cảnh.

Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Việc giống gà nhiều cựa được xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gà nhiều cựa.

Loài "thần kê" bước ra từ truyền thuyết không chỉ là biểu tượng tâm linh của người bản địa mà còn trở thành một cơ hội phát triển kinh tế, du lịch cho bà con nơi đây.

Chia sẻ Facebook