Loài cá lớn "như ngôi nhà di động" bí ẩn đối với con người
Loài cá lớn nhất hành tinh nặng 40 tấn, có biệt tài lặn xuống vùng nước sâu ở độ sâu gần 2.000 m và nhìn thấy rõ dù ở môi trường biển tăm tối.
Cá mập voi - loài cá lớn nhất thế giới
Nếu bạn thắc mắc loài cá nào lớn nhất đại dương thì dưới đây là câu trả lời cho bạn.
Theo Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cá mập voi (Rhincodon typus) là loài cá lớn nhất đại dương, còn cá voi xanh là một loài thuộc lớp thú chứ không phải một đại diện thuộc lớp cá.
Cá mập voi có thể dài đến 12,2m và nặng 40 tấn, trong khi đó con lớn nhất từng được ghi nhận dài đến 20m. Tuy nhiên trong tự nhiên hiện rất hiếm cá mập voi dài hơn 12m.
Nổi bật với ngoại hình to lớn, cá mập voi sở hữu cái đầu rộng, phẳng với 1 cặp mắt nhỏ và lỗ thở ngay sau mắt, phần lưng có những đốm trắng, vàng, xám tạo thành hình bàn cờ trông rất bắt mắt. Miệng chúng có thể rộng đến 1,5m và chứa đến 300 chiếc răng nhỏ. Da cá mập voi có thể dày tới 10cm.
Loài cá này sinh sống trong các đại dương thuộc vùng nhiệt đới và ôn đới ấm của thế giới, khoảng 25 độ C.
Các nhà khoa học nhận thấy cá mập voi chủ yếu sống cô độc và ít khi thấy chúng bơi thành đàn. Một số tài liệu cho rằng loài động vật to lớn này sống di trú, nhưng hiện nay chuyên gia vẫn chưa thống nhất được chúng có thể di cư xa bao nhiêu.
Cũng giống như những động vật thân hình "đồ sộ" dưới đại dương khác, cá mập voi chủ yếu ăn những loài nhỏ bé như nhuyễn thể, cá nhỏ hay mực cỡ nhỏ…
Loài cá lớn nhất hành tinh rất quý hiếm nhưng lại hiền lành, có biệt tài nhìn rõ bóng tối, bí ẩn đối với con người.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ , loài cá lớn nhất thế giới này sở hữu nhiều răng nhưng cá mập voi lại ăn theo cơ chế kỳ lạ: nước biển mang theo con mồi bị hút vào qua miệng và đi qua mang lược rồi tống ra khỏi cơ thể qua mang cung. Những gì ăn được còn mắc lại ở mang lược sẽ được cá nuốt trọn.
Có thể bạn chưa biết, đa phần cá mập voi hiền lành. Thậm chí vào năm 2012, ngư dân Phillipines đã ghi lại được khoảnh khắc một thủy thủ dùng tay cho cá mập voi ăn và loài cá này ngoan ngoãn và từ tốn nhận lấy món quà ấy.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác vòng đời của cá mập voi nhưng họ tin rằng chúng có thể sống từ 60-100 năm.
Biệt tài độc đáo
Theo một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, cá mập voi có thể nhìn thấy rõ dù ở môi trường biển sâu tăm tối do một đột biến ở võng mạc của chúng.
Có thể nói, đột biến này cũng là nguyên nhân dẫn đến quáng gà, hay còn gọi là chứng mù đêm, ở con người. Đây là một loại suy giảm thị lực nhiều người gặp phải vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng.
Ngoài ra, nghiên cứu cho biết, đột biến gene trong mắt cá mập voi kích hoạt các sắc tố thị giác cảm nhận ánh sáng xanh - màu duy nhất chiếu xuống biển sâu, dựa trên sự thay đổi nhiệt độ.
Cá mập voi thường bơi gần mặt biển để ăn sinh vật phù du, nhưng chúng cũng lặn xuống vùng nước sâu ở độ sâu gần 2.000m và phần lớn các đặc tính sinh học của chúng vẫn là bí ẩn đối với con người.
Cái đuôi của loài cá lớn nhất hành tinh cũng nặng đến cả tấn.
Để hiểu rõ hơn về cách các sinh vật có thể nhìn thấy ở cả vùng nước sáng trên bề mặt lẫn môi trường tối của biển sâu, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích rhodopsin - một loại protein trong võng mạc của mắt cho phép nhìn trong môi trường thiếu sáng, theo TTXVN.
Cụ thể, họ phát hiện ra rằng protein rhodopsin - thường nhạy với ánh sáng xanh lục, đã đột biến ở cá mập voi để trở nên nhạy hơn với ánh sáng xanh lam.
Sự thay đổi trong thành phần amino acid này giúp cá mập voi quan sát tốt hơn trong môi trường thiếu ánh sáng ở đáy biển, song thay đổi tương tự ở người lại dẫn đến chứng quáng gà.
Bên cạnh đó, Giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Shigehiro Kuraku - nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết, tuy rhodopsin ở cá mập voi bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt, nhưng vẫn hoạt động hiệu quả trong vùng nước lạnh của biển sâu. Điển hình các sắc tố cảm nhận ánh sáng xanh của cá mập voi thích ứng theo nhiệt độ.
Trúc Chi (t/h)