Lo thiếu điện, Bộ Công Thương tính đẩy nhanh việc mua điện từ Lào

Chia sẻ Facebook
26/10/2023 06:53:17

Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan sớm xây dựng khung giá điện cho các dự án nhập khẩu từ Lào.


Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt các tháng cuối 2023 và cả năm 2024.


Có thể thiếu điện vào tháng 6, 7/2024

Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc cân đối cung cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%) với hai kịch bản lưu lượng nước về: bình thường (tần suất nước về 65%) và cực đoan (tần suất nước về 90%).

Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng.

Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 -1.770 MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào (Ảnh: Phạm Tùng).

Để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế năm 2024, về đầu tư xây dựng, Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái; đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.

Về giải pháp vận hành hệ thống điện, Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, khẩn trương khắc phục sự cố và đưa vào vận hành và duy trì vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện.

Song song với đó, Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết kiệm điện; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi kế hoạch này được phê duyệt…

Nguồn điện cho các tháng cuối năm 2023 được đảm bảo

Với những tháng còn lại của năm 2023 (giai đoạn từ tháng 9-12) Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 95,6-97,2 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9%-11,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng từ 5,1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.

Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023.


“Để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp… phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác", Bộ Công Thương nhấn mạnh .

Chia sẻ Facebook