Lo ngại viêm não sau cúm A
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong ngày 18/7, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã điều trị tới 45 trẻ mắc cúm A. Giường bệnh tại đây luôn chật kín. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chưa đầy 1,5 tháng tuổi.
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc, số lượng bệnh nhân cúm A đang tăng bất thường.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ nửa tháng nay, khi số lượng bệnh nhân gia tăng, các giường bệnh tại đây luôn chật kín, có lúc phải kê tạm thêm giường bệnh trong lúc chưa bố trí kịp.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang điều trị tại đây là bé H.T.M mới qua đầy tháng được 11 ngày. Em bé quê Sơn La được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, bỏ bú, viêm phổi.
Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...
Ngoài lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, các bệnh nhân cúm A mức độ nhẹ đến khám được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú. Phần lớn trẻ mắc cúm A đến khám Bệnh viện Nhi Trung ương dưới 5 tuổi, ở Hà Nội và 1 số tỉnh thành xung quanh.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), lượng bệnh nhân tới khám và điều trị đều tăng bất thường.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương , trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lí nền, phụ nữ mang thai.
Đặc biệt, bệnh viện ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội).
Tại khoa Nhi của viện này, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A.
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), tới sáng 19/7 có khoảng 30 bệnh nhân cúm A đang điều trị, chiếm đa số trong các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mỗi ngày, khoa này có khoảng 15-20 bệnh nhân tới khám, khoảng 1 nửa trong số này (7 ca) có chỉ định nhập viện.
Không ít bệnh nhân cúm A diễn biến nặng, thậm chí phải đặt ECMO. Điển hình là bệnh nhi ở Nghệ An đang điều trị tại Bênh viện Nhi Trung ương. Sau 1 tuần điều trị ở Nghệ An, bé suy hô hấp nặng, tổn thương phổi, chuyển ra Hà Nội nhanh chóng được can thiệp ECMO.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết bệnh nhi này bị tổn thương phổi rất nặng nề. Các bác sĩ đang duy trì các chỉ số chức năng sống trong giới hạn bình thường nhưng tổn thương phổi rất trầm trọng, phục hồi chậm.
Triệu chứng cúm A
Theo TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa).
Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9…, lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…
Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.
Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Lo ngại viêm não sau cúm
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, qua phân tích có thể thấy cúm A năm nay so với năm 2009 (ngành y tế thống kê 10 năm 1 lần) có nhiều điểm khác nhau. Các triệu chứng bệnh cũng nặng hơn trước.
Đáng nói, hiện có 40-45% trẻ bị co giật so với chỉ vài ca năm 2009. Theo BS Hải, trước đây chỉ 1-2 mắc viêm não sau cúm A, nhưng năm nay số lượng bị viêm não lên đến 3-6%.
Biến chứng nguy hiểm gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Khoảng 3-5 ngày mắc cúm, một số trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật…”,
BS Đỗ Thiện Hải
Viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện, theo BS Hải.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lí mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kì
Bác sĩ Hải khuyến cáo, để phòng bệnh cúm lây lan, cần sử dụng điều hòa đúng cách, không nên bật cả ngày mà nên có khoảng thời gian tắt điều hòa, mở cửa cho không khí lưu thông và diệt trừ virus.
Ngoài ra người dân cần tiêm vaccine phòng cúm hằng năm hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm).
Cùng với đó mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.