Lo ngại tiêu chí mô hình bán lẻ làm khó doanh nghiệp
Trong dự thảo của Bộ Công Thương, tiêu chí cửa hàng tiện lợi chỉ chủ yếu phục vụ khách hàng trong bán kính 500 m gây nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp và chuyên gia.
Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến tại Dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó quy định rõ diện tích tương ứng với từng mô hình bán lẻ như siêu thị, siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi , hay xác định tiêu chí cửa hàng tiện lợi chỉ chủ yếu phục vụ khách hàng trong bán kính 500 m...
Cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi bán hàng đơn thuần, mà còn dành ra một phần diện tích để khách dùng tại chỗ. Do vậy phần diện tích kinh doanh lớn hơn 200 m 2 , không đáp ứng được tiêu chí trong dự thảo thông tư mới của Bộ Công Thương. Tuy nhiên đây không phải là cá biệt.
"Nhu cầu dịch vụ khách hàng muốn có chỗ ngồi, không gian thoải mái rất là lớn. Đó là một trong những tiêu chí mà cửa hàng tiện lợi dùng để cạnh tranh và thu hút khách hàng. Nếu chúng ta có ràng buộc, như chúng tôi muốn mở cửa hàng lớn hơn 200 m 2 có thể sẽ phải làm thủ tục xin phép, tạo thêm bước gây trở ngại cho doanh nghiệp", ông Mai Thụy Nhân, Giám đốc Điều hành GS25 Việt Nam, cho biết.
"Khi đã đưa vào dự luật thì có thể phát sinh những cơ chế xin cho, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cơ chế mang tính chất ràng buộc, yêu cầu bắt buộc theo kiểu điều kiện phải có. Nó làm mất đi tính cạnh tranh", ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Retail Solutions, đánh giá.
Một số chuyên gia cho rằng, việc có quy định để quản lý và phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, mô hình bán lẻ là cần thiết. Tuy nhiên cách tiếp cận nên sát với thị trường, tránh đi sâu vào kiểm soát các yếu tố mang tính kỹ thuật.
"Ở góc độ quản lý Nhà nước thì nên đưa ra những hành lang pháp lý. Ví dụ có quốc gia họ ràng buộc quy mô, doanh nghiệp chỉ được mở bao nhiêu cửa hàng để tạo ra cạnh tranh lành mạnh, tránh độc quyền...", Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, nhà nghiên cứu thị trường bán lẻ, Đại học UEH, cho biết.
Góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần bỏ các đề xuất thiếu khả thi và dễ gây hiểu lầm như cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m.
Còn theo một số chuyên gia, các tiêu chí này khi được thực thi tại các tỉnh thành, địa phương có thể bị áp dụng một cách cứng nhắc, mang tính bắt buộc, gây khó và tăng chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương: Không hạn chế khách mua ở cửa hàng tiện lợi
Trước những băn khoăn về dự thảo thông tư mới, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, quy định "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m" không hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi, mà nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng. Các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
"Hoàn toàn không có ý nghĩa hạn chế người của khu vực khác đến những điểm này. Đây chỉ có góc độ là thuận tiện cho người tiêu dùng tiếp cận, đi bộ gần nhất đến điểm điểm mua sắm, không cần phải di chuyển bằng bất kể phương tiện giao thông nào. Có lẽ điều này cũng phù hợp với điều kiện sức khỏe của người dân Việt Nam", bà Lê Thị Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết.
Với một số bất cập khác được chỉ ra như: yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có nơi trông xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định dự thảo không quy định các doanh nghiệp phải sở hữu các điểm trông giữ xe.
"Chúng tôi cũng nói rõ rằng việc quy định các điểm đỗ xe để tạo điều kiện tốt hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không bắt doanh nghiệp phải sở hữu các điểm trông giữ xe, mà họ phải có trách nhiệm hướng dẫn người tiêu dùng tiếp cận các điểm đó, không gây phiền toái cho cộng đồng cư dân xung quanh", bà Lê Thị Nga cho biết thêm.
Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Thông tư cũng có nhiều điểm mới, nhằm cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, ví dụ như: bỏ quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải qua Sở Công Thương để phê duyệt quy chế kinh doanh của các hạ tầng thương mại; hay là mở rộng hơn đối tượng sở hữu, quản lý hoạt động của các loại hình hạ tầng này, trước đây chỉ có doanh nghiệp, nay đã được mở hơn đến hợp tác xã, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh khác…