Lo ngại khi nhà đầu tư thờ ơ với thị trường bất động sản

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 17:35:05

Lo ngại khi nhà đầu tư thờ ơ với thị trường bất động sản

Thanh khoản đến 50% số tài sản đang nắm giữa, ông H. (nhà đầu tư Hà Nội) muốn thu hồi lại vốn, giữ tiền mặt. Ông cho rằng, thời điểm biến động như thế này, an toàn là trên hết. Nếu đổ tiền vào bất động sản, giá trị cũng sẽ sụt giảm và mất đi do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế. Dù đánh giá bất động sản là kênh trữ tiền an toàn song ông H. vẫn xác định, thời điểm như hiện nay, tiền mặt vẫn là “vua”.

Còn anh M. (Hà Đông, Hà Nội), nếu như cách đấy 6 tháng, nhà đầu tư này miệt mài khảo sát ở các thị trường tỉnh. Anh luôn trong tâm thế kiếm tìm lô đất đẹp, có khả năng sinh lời tốt. Nhưng 4 tháng trở lại đây, anh M. chọn phương án “án binh bất động”.

Lý do khiến anh không còn dành nhiều thời gian để khảo sát thị trường cũng như xuống tiền vào đất là lo ngại bất động sản sẽ chững hoặc giảm giá.

“Lãi suất tăng cao, khả quan sẽ tăng trở lại gần sát với mốc như thời điểm năm 2011. Thị trường hiện tại cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như thanh tra dự án, xử lý sai phạm. Tôi nghĩ giai đoạn này nên thăm dò, dừng lại. Chắc khoảng 1,5-2 năm tới, thị trường bất động sản sẽ ổn định trở lại. Khi đó, xuống tiền cũng sẽ an toàn hơn”, anh M. nói.

Cũng theo nhà đầu tư này, nhiều bạn bè của anh lựa chọn dừng việc thăm dò thị trường hay tìm kiếm đất để đầu tư.

Ảnh minh hoạ.


Khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, trong quý 3/2022 mức độ quan tâm với bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Đơn cử như nhu cầu mua bất động sản Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%, Hà Nội giảm 1% so với quý 2 trước đó. Nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Khảo sát với các nhà môi giới cũng cho thấy, giao dịch bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.

Với kịch bản mà thị trường bất động sản phải đối mặt với nhiều thách thức, mức độ quan tâm với kênh đầu tư này còn được dự báo sẽ sụt giảm.

Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đến từ Hà Nội cũng đặt ra lo ngại về sự thờ ơ của nhà đầu tư với bất động sản. Khi nhắc về giai đoạn 2011-2013, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng nhận định, sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản khi đó là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “đóng băng”. Khi nhà đầu tư không còn niềm tin, thanh khoản sụt giảm trầm trọng.

Soi chiếu ở thời điểm hiện tại, mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường đang sụt giảm rõ nét.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản hiện tại giống đến 70% giai đoạn 2011-2013.

“Theo nhận định các yếu tố vĩ mô kết hợp với các quy luật kinh tế, năm 2023 mới chính thức vào mùa đông của bất động sản. Thị trường sẽ không có vỡ bong bóng, chỉ có mất thanh khoản, tức là vắng người mua”, ông Hiển nói. Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính vẫn vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường. Nhưng nhà đầu tư nào đang gồng nợ lãi nặng, có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người mua nhà rất khó tiếp cận các nguồn vốn, dẫn đến thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do nguy cơ mất thanh khoản.

Trong diễn biến khó khăn của thị trường, HoREA đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chia sẻ Facebook