'Lỗ hổng' lớn nếu bỏ qua phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước
Đối với khu vực ngoài Nhà nước, dù chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể, nhưng tham nhũng ở khu vực này cũng là vấn đề rất nhức nhối, cần đặc biệt quan tâm, ngăn chặn trong thời gian tới.
Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán…
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nhưng trong thời gian qua không ít thành phần tư nhân đã lợi dụng sơ hở, móc ngoặc với cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước để tham ô, lũng đoạn, trục lợi. Tình trạng “sân trước”, “sân sau”, “nhóm lợi ích” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua xuất phát từ sự móc ngoặc, câu kết giữa cán bộ, quan chức nhà nước với các thành phần tư nhân. Sẽ là một lỗ hổng lớn nếu chỉ phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước mà bỏ qua “mặt trận” ngoài Nhà nước.
Qua một số vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm vừa qua, điển hình như vụ Cty Việt Á, vụ Tân Hoàng Minh, ông Trịnh Văn Quyết…đã để lại cho chúng ta nhiều bài học trong phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự câu kết, móc ngoặc giữa bên ngoài với bên trong để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, lãng phí tiền của nhân dân và gây hại cho nền kinh tế. Vì sao Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lại có thể lũng đoạn thị trường chứng khoán như vậy?
Vì sao Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng lại có thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn như vậy?
Liệu có sở hở, thiếu trách nhiệm, hay có sự câu kết giữa nhà chức trách với những đối tượng này không? Hay tình trạng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, định giá tài sản thấp, rồi móc ngoặc, câu kết để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước đã xảy ra lâu nay cũng là vấn đề nhức nhối, cần có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, trong đó yêu cầu từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là rất kịp thời, cần thiết, cấp thiết.
Song song với nhiệm vụ này cần rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán… Đồng thời cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.