Lộ diện top 5 địa phương có tỷ lệ người dân mong muốn chuyển đến cao nhất
Báo cáo PAPI 2021 cho rằng, di cư là một vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Theo đó, ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là "đoàn tụ gia đình"; "có việc làm tốt hơn" và "môi trường tự nhiên tốt hơn".
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học thường niên, phản ánh đánh giá của người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố nhằm góp phần thúc đẩy quản trị công mang tính đáp ứng và hiệu quả ở Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.
Theo đó, báo cáo PAPI 2021 cho rằng, di cư là một vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Những khác biệt trong đời sống kinh tế, xã hội và quản trị công ngày càng gia tăng khi số dân di cư tăng lên qua thời gian. Những khác biệt đó trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2021 do tác động của làn sóng thứ tư đại dịch COVID-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉnh Đắk Nông có tới 9% số người được hỏi cho biết họ muốn chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, ngay tại tỉnh Tây Nguyên này, tỷ lệ người di cư tiềm năng đã giảm hơn một nửa so với tỉ lệ ghi nhận từ khảo sát năm 2020.
Theo kết quả phân tích tổng mẫu PAPI 2021, ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là "đoàn tụ gia đình", đặc biệt là với những người muốn chuyển tới Hà Nội và TP. HCM; "có việc làm tốt hơn", nhất là với những người muốn chuyển tới TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng; "môi trường tự nhiên tốt hơn", chủ yếu ở những người muốn chuyển tới Đà Nẵng và Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra 5 tỉnh, thành phố được nhiều người muốn chuyển tới là TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ xếp theo thứ tự ưu tiên. Ngược lại, các tỉnh ít được ưa chuộng nhất là Bạc Liêu, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn và Ninh Thuận.
Báo cáo nhận định, trong bối cảnh của đại dịch với nhiều bất trắc và các đợt giãn cách xã hội năm 2021, tỷ lệ người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố bày tỏ muốn di cư khỏi địa phương năm vừa qua chỉ là 1,6%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 6,8% năm 2020, cho dù kinh tế suy giảm mạnh mẽ vào năm 2021 dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc.
Báo cáo cũng cho biết, xu hướng này đối lập với vấn đề di cư giữa các tỉnh, thành phố trong suốt thập kỷ qua khi Việt Nam phát triển nền kinh tế đa thành phần và sự trỗi dậy của nhiều trung tâm công nghiệp đi đôi với nhiều cơ hội việc làm.
Theo Giang Anh
Tổ Quốc