Lộ diện 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm khởi sắc nhất
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý 2/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Xét theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%.
Riêng Kon Tum, IIP ngành chế biến, chế tạo giảm 7,4% nhưng sản xuất điện (chiếm quyền số 54,5% trong toàn ngành công nghiệp) tăng 38,7% đã góp phần làm IIP tăng 20,6%.
Chính nhờ sự phục hồi mạnh mẽ, chỉ số IIP của những địa phương này đều nằm trong top những địa phương có tốc độ IIP tăng cao nhất cả nước. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất cả nước (48,9%). Theo sau là Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Bình Phước, với tốc độ tăng IIP lần lượt đạt 45,4%, 25%, 23,9% và 22,1%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng thấp.
Cụ thể, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp là: Tiền Giang và Long An cùng tăng 5,7%; Bắc Kạn tăng 3,8%; Đà Nẵng tăng 3,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 2,6%; Ninh Bình tăng 1,7%; Hà Tĩnh tăng 0,3%; Trà Vinh tăng 4,9%.
Riêng tỉnh Bình Thuận ngành chế biến, chế tạo tăng 13,7% nhưng sản xuất điện (chiếm quyền số 59,8% trong toàn ngành công nghiệp) giảm 1,1% làm chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,1%.
Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chỉ số IIP của một số địa phương tăng thấp, thậm chí giảm. Đáng chú ý, Hà Tĩnh và Trà Vinh là 2 địa phương ghi nhận tốc độ IIP giảm trong 6 tháng đầu năm 2022, lần lượt giảm 7,3% và 25,7%.
Xét theo nhóm ngành, báo cáo cho biết, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 10,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 8,5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,2%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2022 giảm 1% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78% (bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 92%).