Livestream bán hàng, du lịch sinh thái và cách nông dân Trung Quốc đổi đời nhờ hạt gạo

Chia sẻ Facebook
12/10/2022 10:49:26

Nhiều nông dân ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã ứng dụng internet vào nông nghiệp và du lịch, cải thiện đáng kể thu nhập với sự giúp sức của một người phụ nữ.

Nngôi làng Shangguandi ở thị trấn Bột Hải, thành phố Ninh An, Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc được thiên nhiên ban tặng cho những thửa ruộng phì nhiêu. Đây cũng là nơi sản sinh ra gạo shiban, một loại gạo ngon có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít người biết đến.

Gạo shiban cho năng suất cao, người dân trong làng không sử dụng hết mà đem bán bớt nhằm kiếm thêm thu nhập. Năm 2008, một hợp tác xã (HTX) đã được thành lập nhằm đẩy mạnh việc kinh doanh loại gạo này. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác ít được cải tiến và các kênh bán hàng không được mở rộng, việc buôn bán lại phụ thuộc nhiều vào thương lái, nên thu nhập người dân địa phương không được cải thiện.


Tiếc nuối tiềm năng bị bỏ ngỏ, bà Chen Yujia đã quyết định trở về làng năm 2016 với hi vọng mang lại cho người dân địa phương một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà tình nguyện trở thành Giám đốc Kinh doanh của HTX.

“Một mặt, chúng ta nên thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nông sản qua internet. Mặt khác, chúng ta phải có can đảm áp dụng các phương pháp mới để mở rộng thị trường”, bà Chen cho biết. Đây là phương châm để bà thực hiện những bước đi táo bạo hơn nhằm quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng.

Bà Chen Yujia. Ảnh: People's Daily


Nỗ lực mở rộng thị trường


Cùng với hai nhân viên của hợp tác xã, người phụ nữ sinh năm 1989 đã tận dụng sức mạnh của internet để cải thiện sản xuất, chế biến và bán gạo. Họ đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên sau khi đăng một quảng cáo trên WeChat.

Sau những thành công ban đầu, bà Chen đã thành lập một nhóm tiếp thị trực tuyến và mở một cửa hàng trực tuyến nhằm giới thiệu toàn bộ quy trình trồng lúa cho người tiêu dùng bằng cách quay video và tổ chức các buổi phát trực tiếp.

Trong các video của mình, bà Chen còn giới thiệu vẻ đẹp của cuộc sống nông thôn và tăng cường tương tác với cư dân mạng. Dần dần, bà tích lũy được một lượng lớn người hâm mộ và ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng qua mạng.

Trong khi đó, HTX đã thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng gạo shiban, bao gồm sử dụng phân hữu cơ, loại bỏ cỏ dại thủ công và đưa vào mô hình trồng lúa - nuôi vịt. Họ cũng nỗ lực “xanh hóa” mọi quy trình, từ chọn giống đến canh tác và chế biến.

HTX cũng không ngừng nâng cấp các mô hình bán hàng để mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm tốt hơn. Họ đã khởi động một chương trình đăng ký đất nông nghiệp, cho phép mỗi người tiêu dùng đăng ký khoảng 700m2 ruộng trong làng.

Sau khi thu hoạch, người đăng ký sẽ mua lúa từ những cánh đồng đó. Họ cũng có thể trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp như cấy và gặt lúa miễn phí trên cánh đồng mà họ đã đăng ký.

Theo bà Chen, chương trình đã trở nên phổ biến rộng rãi kể từ khi ra mắt. Năm nay, hơn 13 ha đất ruộng đã được đăng ký trước với mức giá gần 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 13,4 tỷ đồng) trước khi cấy lúa.

Bà Chen quảng cáo gạo shiban trong một video phát trực tiếp. Ảnh: People's Daily

Bà Chen sử dụng phương pháp bán hàng được cá nhân hóa trong công việc của mình. Bà cho biết: “Sau khi thu hoạch, chúng tôi bảo quản gạo chưa xát hạt tại các nhà kho được trang bị máy điều nhiệt và máy hút ẩm và xát gạo theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng để giao gạo cho họ càng sớm càng tốt”, bà Chen cho biết. Khách hàng cũng có thể xem gạo ở đây được sản xuất như thế nào chỉ bằng cách quét mã QR.

“Chúng tôi cũng đã ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong nông nghiệp, cho phép người tiêu dùng có được thông tin rõ ràng về toàn bộ quy trình sản xuất gạo của chúng tôi bằng cách quét mã QR”, bà Chen giải thích.

Bà cũng cho biết thêm rằng mô hình tích hợp cả bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến đã giúp HTX lấy được lòng tin của khách hàng. Doanh số bán hàng online chiếm gần 1/3 tổng doanh thu của HTX, bà tiết lộ.


Du lịch kết hợp nông nghiệp

Không chỉ bán gạo trực tuyến, bà Chen cũng nỗ lực giúp làng Shangguandi phát triển du lịch. Ngôi làng có vị trí đắc địa với 2 hồ nước xinh đẹp và công viên rừng quốc gia, với phong cảnh đẹp như tranh vẽ.

“Chúng tôi đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền văn hóa canh tác lúa nước và xây dựng các khu chức năng khác nhau bao gồm khu tham quan, khu trải nghiệm nông nghiệp, phố ẩm thực và khu hái rau củ quả, thu hút lượng lớn khách du lịch, ông Zhang Benjun, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của làng cho biết.

Bà Chen cũng tạo video về các hồ nước và cánh đồng lúa, cũng như các hoạt động thú vị bao gồm bắt cá và vịt trên cánh đồng lúa, thu hút nhiều cư dân mạng đến làng.

Chen cho biết, ngôi làng là một địa điểm chụp ảnh nổi tiếng ngay cả trong mùa nông nhàn, vì du khách thích đi trượt tuyết và thưởng thức phong cảnh mùa đông, cũng như ẩm thực độc đáo nơi đây.

Ngôi làng là một địa điểm chụp ảnh nổi tiếng. Ảnh: People's Daily

Khi ngôi làng bắt đầu thu hút du khách, bà Chen đã giúp người dân nơi đây biến những ngôi nhà cổ của họ thành các homestay, góp phần làm tăng doanh thu du lịch của làng và tăng thu nhập cho các chủ sở hữu ngôi nhà. Đến nay, làng đã có 19 homestay có thể phục vụ cùng lúc hơn 100 khách du lịch.

Thống kê cho thấy thu nhập tập thể của làng Shangguandi đã vượt 1,1 triệu nhân dân tệ (gần 3,7 tỷ đồng) và thu nhập ròng bình quân đầu người của dân làng đã vượt 27.000 nhân dân tệ (90,7 triệu đồng) vào năm ngoái.


Theo ông Jin Liyu, Phó Trưởng phòng Việc làm thành phố Ninh An, hơn 300 sinh viên tốt nghiệp đại học như bà Chen đã trở về quê hương để bắt đầu khởi nghiệp, tạo động lực mới cho sự hồi sinh nông thôn .


Nguyễn Tuyết (Theo People's Daily, IOL)

Chia sẻ Facebook