Lĩnh vực fintech ở châu Á hút dòng tiền
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) khắp nơi đã trải qua một giai đoạn khó khăn vào năm ngoái, khi lạm phát tăng cao và lãi suất tăng khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực này.
Lĩnh vực fintech ở châu Á hút dòng tiền
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) khắp nơi đã trải qua một giai đoạn khó khăn vào năm ngoái, khi lạm phát tăng cao và lãi suất tăng khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực này.
Dòng vốn đổ vào fintech châu Á
Phần lớn lĩnh vực fintech đều chật vật để huy động vốn và định giá của họ đã giảm sâu. Nhà cung cấp dịch vụ mua ngay trả sau Klarna của Thụy Điển là một trường hợp điển hình: định giá bị cắt giảm xuống còn 6.7 tỷ USD trong vòng cấp vốn năm 2022, giảm 85% so với 46 tỷ USD của năm trước đó.
Nhìn chung, đầu tư toàn cầu vào fintech đã giảm một nửa xuống còn 75.2 tỷ USD , theo công ty phân tích CB Insights.
Tuy nhiên, fintech châu Á lại đi ngược lại xu hướng này, khi ghi nhận dòng vốn đầu tư đạt mức cao kỷ lục 50.5 tỷ USD vào năm ngoái, dữ liệu từ tập đoàn tư vấn KPMG cho thấy. Mặc dù ngành ngân hàng Mỹ rơi vào hỗn loạn trong tháng 03/2023 với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ( SBV ) khiến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu trở nên u ám hơn, song triển vọng cho fintech, ít nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương, lại rất sáng sủa.
Giới phân tích kỳ vọng các doanh nghiệp fintech, từ dịch vụ thanh toán đến bitcoin, sẽ tăng mạnh trên khắp châu Á khi thu nhập của người dân tăng lên và việc áp dụng công nghệ số mở rộng hơn nữa.
Theo HSBC , tổng tài sản tài chính của châu Á, từ tiền gửi ngân hàng đến các khoản đầu tư, đã tăng gần gấp ba kể từ năm 2006 lên 140 ngàn tỷ USD . Tuy nhiên, khoảng 70% dân số ở khu vực Đông Nam Á chưa hoặc không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, công ty tư vấn Bain cho biết.
Tzu-Chung Liang, chiến lược gia dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á kiêm giám đốc giao dịch tại công ty tư vấn EY, cho biết đây là một điểm thu hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Ông lập luận: “Châu Á sở hữu một trong những nhóm người tiêu dùng và lực lượng lao động trẻ nhất thế giới, với tỷ lệ tiếp nhận công nghệ di động và kỹ thuật số cao, vì vậy đây là một thị trường chín muồi cho làn sóng đổi mới tài chính”.
Những điểm “nóng”
Trên toàn khu vực, Singapore là thị trường nổi bật của fintech. Theo số liệu của ngân hàng United Overseas Bank (UOB), các giao dịch ở quốc gia này đã thu hút phần lớn nguốn vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech, 1.8 tỷ USD , ở Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm ngoái.
Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore ( MAS ) là một động lực tăng trưởng quan trọng thông qua các kế phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và nâng cấp kỹ năng trong ngành tài chính, Paul Ng, giám đốc dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á tại công ty tư vấn Accenture, cho biết.
Nhưng Wing-Fai Ng, Chủ tịch của AGBA, một doanh nghiệp dịch vụ tài chính và fintech có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), nói rằng mặc dù Singapore đã tạo ra một môi trường thuận lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp của họ lại thiếu khả năng mở rộng quy mô. “Bản thân Singapore là một thị trường nhỏ và giao dịch xuyên biên giới quốc gia ở châu Á có thể gặp khó khăn.”
Trong khi đó, các quốc gia khác đang bắt kịp Singapore. Ví dụ, Indonesia chiếm 1/4 số giao dịch ở Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm ngoái, với số tiền tài trợ lên tới 1.4 tỷ USD , theo UOB.
Ông Ng của Accenture cho biết: “Sự bền vững của kinh tế nước này là một phần động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư đổ vào cả doanh nghiệp giai đoạn đầu đến giai đoạn tăng trưởng”.
Indonesia đã sản sinh ra một số “kỳ lân” fintech, bao gồm nhà xử xử lý thanh toán doanh nghiệp Xendit, nhà cung cấp dịch vụ Gojek và nền tảng thanh toán kỹ thuật số Ovo.
Saurabh Tripathi, giám đốc fintech và thanh toán toàn cầu tại công ty tư vấn Boston Consulting Group, cũng nhấn mạnh về tiềm năng của Ấn Độ, nơi có câu chuyện tăng trưởng ấn tượng nhất trong hoạt động thanh toán số. Ông chỉ ra rằng với 7,460 công ty fintech, Ấn Độ hiện có số lượng fintech lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Australia cũng là “nhà” của một số fintech phát triển nhanh nhất. Ví dụ, Judo Bank đã tạo ra lợi nhuận chỉ sau 5 năm kể từ khi ra mắt. Joseph Healy, giám đốc điều hành, cho biết Judo tạo ra lợi nhuận nhanh hơn bất kỳ ngân hàng mới nào khác. Hoạt động cho vay trong 6 tháng tính đến cuối tháng 02/2023 đã tăng gần 1/4 lên 7.5 tỷ đô la Úc.
Fintech Trung Quốc vẫn thống trị
Các doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn thống trị fintech ở châu Á. Quốc gia này đã tạo ra các siêu ứng dụng trong khu vực: như Alipay của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba và WeChat của Tencent Holdings, công ty có giá trị nhất Trung Quốc theo giá trị thị trường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng chiến dịch siết quy định gần đây của Bắc Kinh với lĩnh vực công nghệ có thể sẽ mang lại lợi ích cho thị trường và doanh nghiệp ở những nơi khác, đặc biệt là khi các doanh nghiệp Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng hơn.
Ví dụ, tập đoàn thương mại điện tử JD.com đang cắt giảm các dịch vụ của mình ở Indonesia và Thái Lan, giáng một đòn mạnh vào kế hoạch mở rộng ra quốc tế, nhưng lại tạo cơ hội cho các đối thủ chen chân vào.
Cách tiếp cận cứng rắn hơn của Trung Quốc có thể tạo cơ hội để các khu vực khác trong doanh nghiệp động kinh doanh fintech hơn. Ông Liang tại EY cho biết Đông Nam Á có thể được coi là một nơi hấp dẫn để đầu tư, khi các công ty công nghệ phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Dù vậy, cuộc đàn áp của Bắc Kinh đã không làm giảm sự thèm muốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với các startup ở những nơi khác tại châu Á, ông Ng của AGBA, cho biết. “Các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc đã bị thu hút bởi các thị trường tiêu dùng lớn hơn, như Indonesia, Việt Nam và Malaysia”.
Có thể xuất hiện một số cơn gió ngược lớn, từ tình trạng lạm phát tăng cao đến sự sụp đổ gần đây của SVB, song chúng sẽ không cản trở sự tăng trưởng của châu Á. Như ông Ng của Accenture cho biết: “Fintech vẫn là một trong những mảng phổ biến và linh hoạt nhất ở châu Á, bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô gần đây”.
Kim Dung (Theo FT)