Lĩnh vực chuyển đổi số hút vốn FDI
Lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Báo chí quốc tế tuần qua cũng có các bài viết đánh giá cao những chính sách thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ của Chính phủ.
Với tiêu đề "Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và gia công phần mềm", bài viết trên trang Les Actualites của Pháp nhấn mạnh những lợi thế giúp Việt Nam có thể trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực gia công và chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.
Theo đó, môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều hiệp định thương mại tự do và các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, cùng với lực lượng lao động trẻ am hiểu về công nghệ, chính là những yếu tố các nhà đầu tư có thể hưởng lợi khi đầu tư vào chuyển đổi số tại Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua còn thể hiện ở sự phổ biến của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tốc độ gia tăng nhanh chóng của số lượng người dùng.
Theo bài viết trên trang tin OpenGovAsia , số lượng thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt Mobile Money đã tăng gấp 4 lần kể từ khi dịch vụ này được tung ra vào tháng 1 năm nay, với hơn 1,72 triệu tài khoản đã thực hiện ít nhất 1 giao dịch.
Những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số tại Việt Nam cũng là yếu tố thu hút đầu tư của các ngân hàng quốc tế. Mới đây, ngân hàng Kasikorn (KBank) của Thái Lan đã thông báo kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam với khoản đầu tư trị giá hơn 75 triệu USD, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu khu vực.
Đối với thị trường Việt Nam, KBank đặt mục tiêu giải ngân hơn 500 triệu USD và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân là 1,2 triệu người vào năm 2023.
Việt Nam tăng thu hút đầu tư vào chuyển đổi số
Có thể thấy, dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số trong điều hành của cơ quan quản lý, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hay thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí của người dân.
Vì vậy tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong 2 năm COVID 19 đều tăng nhanh qua các thống kê, xếp hạng chuyển đổi số toàn cầu. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận Việt Nam là một trung tâm công nghệ mới của châu Á.
"So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, tôi tin rằng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số một cách nghiêm túc. Với tư cách là đại diện cho các công ty châu Âu, tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ, ví dụ như số hóa các thủ tục hải quan, dịch vụ hành chính, sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng kỹ thuật số trong quản trị", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá, "bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất tài năng trong phát triển phần mềm và sử dụng công nghệ. Tôi tin rằng với lực lượng nhân tài trong lĩnh vực, Việt Nam sẽ là một quốc gia hàng đầu về tự động hóa, robot và chuyển đổi số. Tiềm năng ở đây là rất lớn".
"Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh về chuyển đổi số nhất trong khu vực, bên cạnh Singapore và Indonesia. Đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD vào năm 2021, so với con số 30 triệu USD vào 5 năm trước. Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số ở các lĩnh vực như: môi trường, năng lượng, giao thông, hậu cần, sản xuất chế tạo, thiên tai... Doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm. Còn Việt Nam có thị trường đang phát triển và nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy đôi bên có thể hợp tác, bổ sung lẫn nhau, hình thành mối quan hệ tương hỗ", ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, nhận định.
Doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam Với những dự báo khả quan từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong lĩnh vực về thu hút đầu tư FDI.