Lĩnh vực AI của Trung Quốc chịu ảnh hưởng ra sao trước lệnh cấm đầu tư toàn diện từ Mỹ?
VietTimes – Theo CCTV ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch ký một sắc lệnh hành pháp nhằm vào Trung Quốc trước hoặc sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima từ ngày 19 đến 21/5.
Sắc lệnh này sẽ hạn chế nghiêm ngặt các công ty Mỹ đầu tư vào một số ngành công nghệ cao ở Trung Quốc ; trong số đó, các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và máy tính lượng tử có thể phải đối mặt với lệnh cấm đầu tư toàn diện.
Thực ra, ngay từ ngày 20/4, những tin tức tương tự đã được lan truyền. Hãng Bloomberg ngày 20/4 dẫn một nguồn tin cho biết chính quyền Joe Biden dự kiến ban hành lệnh hành pháp vào tháng 5 tới nhằm hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc, liên quan đến đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế then chốt chip, trí tuệ nhân tạo (AI) và lượng tử.. Vậy, một lệnh cấm đầu tư toàn diện sẽ thực sự được ban bố?
Không cần phản ứng thái quá
Theo Thời báo Chứng khoán Trung Quốc ngày 21/4, phóng viên đã được nhiều nguồn khác nhau cho rằng Mỹ vốn không đầu tư vào các ngành công nghiệp liên quan ở Trung Quốc và việc không đầu tư trong tương lai sẽ không có tác động thực chất đến Trung Quốc.
Ông Vũ Siêu (Wu Chao), nhà phân tích hàng đầu của China Securities TMT, từng cho rằng, xét thấy quy mô đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực AI, chip và điện toán lượng tử của Trung Quốc trong quá khứ là không lớn. Đặc biệt là trong vài năm gần đây, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ đã khiến Mỹ có xu hướng tránh đầu tư vào Trung Quốc. Ví dụ, các công ty đã bị đưa vào danh sách thực thể BIS từ lâu đã không thể có được vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ. Cho dù các biện pháp mới được thực hiện, cũng sẽ có rất ít tác động thực sự đến các ngành liên quan của kinh tế Trung Quốc.
Tài khoản weibo của CCTV đưa tin Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch ký sắc lệnh hạn chế các Công ty Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao Trung Quốc.
"Chuỗi ngành công nghệ của Trung Quốc kể từ năm 2018 đã trải qua một vòng đổi mới công nghệ; dù đó là thiết bị đầu cuối (xe điện, thiết bị đầu cuối Internet vạn vật...) hay mạng (5G) và sức mạnh tính toán, big data, v.v. đều có dự trữ và tích lũy rất tốt, sự thiết kế và hỗ trợ ở cấp cao nhất của chính phủ cho các chính sách kỹ thuật số cũng rất rõ ràng và xác đáng, đồng thời sự du nhập nhanh chóng của các công nghệ mới sẽ có lợi hơn cho việc nhanh chóng ra đời và trưởng thành của các công nghệ then chốt”. Ông Vũ Siêu nhấn mạnh “chúng ta phải tăng cường sự tự tin và tăng tốc đột phá tự chế tạo các công nghệ then chốt, các lĩnh vực then chốt”.
Ông Triệu Hiểu Quang (Zhao Xiaoguang), Phó chủ tịch kiêm Viện trưởng viện nghiên cứu của Tianfeng Securities, cũng nói thêm rằng các tổ chức công nghệ Mỹ đầu tư tương đối ít vào các lĩnh vực như chip và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc và các công ty niêm yết hạng A tham gia càng ít hơn; vì vậy cổ phiếu hạng A không cần phản ứng thái quá. Các ngành trí tuệ nhân tạo và công nghệ chip của Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phát triển độc lập tự chủ và hợp tác cởi mở trong tương lai.
Guojun Hongguan (Quốc Quân Hùng quan) cho rằng cơ chế rà soát đầu tư nước ngoài của Mỹ chỉ tác động ngắn hạn hạn chế đối với Trung Quốc, nhưng do mở rộng phạm vi, liên kết đồng minh và rà soát liên tục, dự kiến tác động dài hạn đối với Trung Quốc có thể lớn hơn. Lượng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong những năm gần đây dao động, quy mô gia tăng đã giảm rõ rệt, hơn nữa đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chủ yếu là lĩnh vực truyền thống của ngành sản xuất, tỷ trọng các lĩnh vực kinh tế mới tương đối thấp. Cơ chế rà soát đầu tư nước ngoài của họ hiện nay chủ yếu tập trung vào các nội dung thuộc các lĩnh vực mới nổi như chất bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử; đầu tư vào các lĩnh vực này chưa nhiều nên việc rà soát sẽ không mang lại nhiều tác động trong ngắn hạn.
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris họp với các CEO công nghệ về nguy cơ của AI đối với xã hội, quyền công dân và an ninh quốc gia (Ảnh: Sina).
Tuy nhiên, tác động lâu dài có thể tương đối lớn. Thứ nhất, phạm vi rà soát tiếp theo có thể được mở rộng, danh sách các công nghệ then chốt và công nghệ mới nổi sẽ được mở rộng hơn nữa, làm tăng thêm các lĩnh vực hạn chế. Thứ hai, Mỹ lôi kéo đồng minh, trước tiên là các nước G7, nếu liên minh được củng cố sẽ có tác động tiêu cực, không có lợi cho việc Trung Quốc thu hút vốn nước ngoài vào các lĩnh vực mới nổi. Thứ ba, rà soát kiểm duyệt liên tục, tác động lớn đến tình cảm và làm mất không gian tưởng tượng cho hợp tác đầu tư tiếp theo, Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự chuyển hướng trong hợp tác.
Tuy nhiên, cơ chế rà soát đầu tư nước ngoài của Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy các chính sách ngành nghề của Trung Quốc tăng, bao gồm tái cấp vốn cho đổi mới công nghệ, cải thiện sự thuận tiện của việc thu hút vốn khi niêm yết, v.v., và logic thay thế trong nước trong các lĩnh vực tương ứng sẽ được củng cố hơn nữa.
Chính quyền Biden gặp gỡ những "gã khổng lồ" công nghệ
Gần đây, các hành động của Mỹ để giám sát quản lý trí tuệ nhân tạo đã tăng lên đến cấp độ Nhà Trắng.
Theo tin của Reuters được Thời báo Hoàn cầu ngày 5/5 dẫn lại, Tổng thống Mỹ Biden đã tham dự cuộc gặp giữa các quan chức chính phủ Mỹ với CEO của 4 công ty hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có Microsoft và Google vào ngày 4/5 để thảo luận về nguy cơ của AI. Tin cho biết, ông Biden đã nói rõ với các giám đốc điều hành các công ty này là họ phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm của mình trước khi tung ra thị trường.
Theo Tin tức chứng khoán Thượng Hải , Hội nghị quản lý rủi ro AI được tổ chức hôm 4/5 kéo dài trong hai giờ và do Phó Tổng thống Kamala Harris chủ trì có sự tham dự của ông Biden. Những người tham dự bao gồm Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, người đồng sáng lập Anthropic Dario Amodei và một nhóm quan chức Nhà Trắng.
Ông Joe Biden tỏ ra cứng rắn trong việc đối phó với những nguy cơ do công nghệ AI gây ra.
Điều thú vị là tại địa điểm họp, Tổng thống Mỹ Biden “tình cờ” tham dự cuộc họp. Theo một quan chức Nhà Trắng, Biden đã tham gia cuộc họp lần này một cách "nhân tiện" và ông cũng sử dụng ChatGPT . Quan chức này nói với giới truyền thông: "Ông Biden hiểu biết toàn diện về ChatGPT và đã đích thân tiến hành thử nghiệm."
Ông Biden nói với những người tham dự rằng họ phải giảm thiểu những rủi ro hiện tại và tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo đối với cá nhân, xã hội và an ninh quốc gia. Nhà Trắng nói thêm rằng những người tham gia cuộc họp đã có "các cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng" về việc các công ty cần minh bạch hơn với các nhà hoạch định chính sách về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ và đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm, sự cần thiết phải bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công nguy hiểm. .
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jean-Pierre cho biết tại cuộc họp báo rằng sự quan tâm của ông Biden làm nổi bật thực tế rằng ông và Phó Tổng thống Harris coi AI là "một trong những công nghệ mạnh mẽ nhất của thời đại chúng ta".
Bà Harris cũng đã nói trong một tuyên bố rằng công nghệ AI có khả năng cải thiện cuộc sống, nhưng cũng có thể gây ra những lo ngại về an ninh, quyền riêng tư và quyền công dân. Bà nói với những CEO dự hội nghị rằng họ có "nghĩa vụ pháp lý" để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của họ và chính phủ liên bang sẵn sàng thúc đẩy hoặc hỗ trợ các quy định và luật mới về AI.
Sau hội nghị về trí tuệ nhân tạo tại Nhà Trắng, Giám đốc OpenAI Sam Altman nói: “Các công ty nhất trí về những gì cần xảy ra trong trí tuệ nhân tạo (tức vấn đề quản lý an toàn) và tôi ủng hộ việc thúc đẩy các quy định mới về quản lý trí tuệ nhân tạo và ủng hộ đặt ra luật mới.”
(Theo F inance.sina )