Linh hoạt chống lạm phát và nguy cơ suy thoái

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 10:20:49

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm giải quyết những vấn đề nội tại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Lạm phát tăng cao kỷ lục đã buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới chọn cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, việc này có thể đẩy các nền kinh tế tới bờ vực suy thoái.


Tăng lãi suất kiềm chế lạm phát

Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đầu tháng này đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, mức tăng lớn nhất trong 33 năm, để kiểm soát mức lạm phát dự báo tăng cao kỷ lục lên khoảng 11%. Với quyết định nâng lãi suất lên 3%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, BOE cho rằng nước Anh đang rơi vào tình trạng suy thoái dự báo kéo dài đến giữa năm 2024.

Thực tế, văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) vừa công bố tăng trưởng GDP nước này giảm 0,2% trong quý III. Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều chậm lại. Ông Suren Thiru, giám đốc kinh tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, cho biết: "Những lo sợ về suy thoái đang trở thành hiện thực".

Trong khi đó, sau 6 lần liên tục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của Mỹ ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 với 7,7%. Tuy nhiên, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tồn tại trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ, đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột ở Ukraine đã tiếp tục làm tăng giá năng lượng và lương thực, dẫn đến lạm phát.

Ông Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of America, cho rằng FED đang để ngỏ việc giảm tốc tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 12 tới khi dự báo FED sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm % vào cuộc họp tháng 12. Ông Gapen kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất lên biên độ từ 4,75% đến 5% vào mùa xuân năm 2023 và đó sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng hoặc là điểm kết thúc. Với những diễn biến đó, chuyên gia này dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngắn hạn trong quý I/2023.

Theo báo cáo hằng quý mới đây của cộng đồng các nhà kinh tế trưởng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng có khả năng xảy ra khi chi phí sinh hoạt tăng cao và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế giảm dần ở tất cả các khu vực.

Tăng trưởng ở châu Âu dự kiến suy yếu vào năm 2023 trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải tại Mỹ, khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và Mỹ Latin. WB cho rằng chính sách tiền tệ được thắt chặt trên toàn thế giới có thể làm gia tăng căng thẳng tình hình tài chính đáng kể và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Các chuyên gia nhận định với sức mạnh nội tại, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó rơi vào suy thoái nhưng khó khăn trước mắt là có. Trong ảnh: Xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều


Cần có giải pháp tổng thể

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định với sức mạnh nội tại, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó rơi vào suy thoái nhưng khó khăn là có. Bởi giai đoạn vừa qua, chính sách tiền tệ được thực hiện rất chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng ở chiều ngược lại khó khăn về vốn đối với các doanh nghiệp (DN) là rất lớn. "Khi các DN không tiếp cận được vốn qua các kênh như tín dụng, trái phiếu… sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế trong quý IV/2022 và 2 quý đầu năm tới vì đà tăng trưởng có độ trễ. Do đó, thời gian tới sẽ khó khăn và bài toán lớn nhất lúc này là phải khơi thông được dòng vốn cho các DN, kể cả DN sản xuất kinh doanh và có thể phải cân nhắc trong năm sau tính giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản" - TS Nguyễn Hữu Huân nói.

TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất cần sớm có giải pháp tổng thể giải quyết bài toán vốn cho thị trường, bao gồm cả vốn tín dụng, vốn từ trái phiếu DN và cả thị trường chứng khoán. Bởi nếu không xử lý tốt, có thể nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu mà suốt nhiều năm qua vẫn chưa xử lý triệt để. Đồng thời, trong trường hợp lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của FED chậm lại có thể tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, có thể nới thêm hạn mức tín dụng để thêm vốn cho nền kinh tế.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nhưng những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách.

WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Khi giai đoạn giãn, hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ rộng hơn, trong cả khu vực, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt. Cụ thể, dù FED vừa tăng lãi suất rất mạnh nhưng biến động tỉ giá, áp lực của đồng USD không rõ nét như thời điểm trước. Cơ quan này đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục cân nhắc tăng lãi suất nhưng ở cường độ nhẹ hơn và có thể tăng kéo dài trong năm 2023. Mục tiêu chống lạm phát vẫn còn song giảm nhiệt dần. Những yếu tố địa chính trị có thể thay đổi, xu hướng tương đối hạ nhiệt.

Theo chuyên gia đến từ ADB, rủi ro của Việt Nam hiện nay không phải đến từ nội tại của nền kinh tế mà là yếu tố tâm lý. Có thể thấy yếu tố này đã tác động rất mạnh đến thị trường tài chính ngân hàng thời gian gần đây. Do đó, việc hạn chế yếu tố tâm lý này là rất quan trọng. "Hiện tại, thị trường tài chính của Việt Nam hoàn toàn ổn, hệ thống ngân hàng cũng rất ổn, song những yếu tố tâm lý có thể làm cản trở hoạt động, thậm chí làm tắc nghẽn kênh dẫn vốn, động mạch vốn của nền kinh tế" - ông Cường cảnh báo.

Thách thức thứ 2 theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, là trong bối cảnh các nước chuyển sang siết chặt chính sách tiền tệ, kênh cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế chính là thông qua đầu tư công và chính sách tài khóa. Nếu đầu tư công không kịp thời giải ngân được, những biện pháp hỗ trợ không kịp thời sẽ tắc tiếp một kênh cấp vốn cho nền kinh tế nữa. "Đầu tư công thậm chí phải phình to ra gấp đôi để bù lại kênh kia nhưng trên thực tế đang giải ngân rất chậm. Đây là điều cần hết sức quan tâm trong năm 2023" - đại diện ADB nhấn mạnh.

Ưu tiên tăng trưởng nội địa

Trong khi nhiều nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, một số quốc gia khác quyết định đi ngược lại, khi theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điển hình là Trung Quốc và Nhật Bản đều duy trì mức lãi suất tương đối thấp. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 2 năm so với đồng bạc xanh khi ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất từ 3,7% xuống 3,65% trong tháng 8. Đây là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản khi các nhà đầu tư nước ngoài vừa được hưởng lợi tỉ giá, vừa trả lãi cho các khoản vay bằng đồng nội tệ với mức lãi suất thấp hơn.

Nhiều quan chức cấp cao từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), các cơ quan quản lý chứng khoán và ngân hàng đã bảo đảm sẽ duy trì sự ổn định thị trường tiền tệ và bất động sản. Đồng thời, cam kết thực hiện một chiến lược kinh tế ủng hộ tăng trưởng. Thống đốc PBOC khẳng định nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách quản lý thị trường, triển khai các nỗ lực cải cách và mở cửa, nhằm trấn an các nhà đầu tư.

Theo hãng tin Reuters, cuộc thăm dò cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay một năm (LPR) 0,5 điểm% trong quý IV này, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tương tự Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì lãi suất âm trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda lập luận Nhật Bản đang hồi phục chậm chạp sau đại dịch, do đó chính sách nới lỏng tiền tệ là cần thiết.

Còn tại Thái Lan, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nhấn mạnh việc tăng lãi suất của nước này sẽ xem xét các điều kiện trong nước chứ không dựa trên các đợt tăng lãi suất của FED. Ông Termpittayapaisith cho hay: "Nền kinh tế Thái Lan đang trong quá trình phục hồi và việc tăng lãi suất sẽ tác động đến các DN vừa và nhỏ". Các ngân hàng nhà nước được yêu cầu duy trì lãi suất để hỗ trợ người đi vay. Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua dự án cho vay với lãi suất thấp giai đoạn 2 nhằm giúp tăng cường khả năng thanh khoản cho các DN thủy sản, với hạn mức tín dụng lên tới 5 tỉ baht.

Chia sẻ Facebook