Liệu Trung Quốc có thực sự cần mua thêm khí đốt Nga thông qua đường ống mới?
Theo Euronews, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 15/9 đã tuyên bố rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ được "thay thế" bằng đường ống Power of Siberia 2.
Hôm 15/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mông Cổ trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Samarkand của Uzbekistan.
Theo Reuters, trong số những chủ đề quan trọng được ba nhà lãnh đạo thảo luận bao gồm một dự án cơ sở hạ tầng mới và quan trọng, đó là dự án đường ống khí đốt Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2), đường ống dự kiến sẽ cung cấp khí đốt Nga cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ.
Nga đã đề xuất kế hoạch này từ nhiều năm trước, nhưng gần đây việc xây dựng đường ống khí đốt Power of Siberia 2 mới trở nên cấp thiết khi Moskva trông đợi Bắc Kinh thay thế châu Âu trong vai trò khách hàng mua khí đốt lớn nhất của nước này.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các chuyên gia trong ngành cho biết quá trình đàm phán giữa các bên dự kiến sẽ còn nhiều phức tạp, bởi Trung Quốc có thể sẽ chưa cần thêm nguồn cung khí đốt bổ sung cho đến sau năm 2030.
Thông tin cơ bản về đường ống Power of Siberia 2
Đường ống Power of Siberia 2 dự kiến sẽ vận chuyển khí đốt từ bán đảo Yamal có trữ lượng khổng lồ ở Tây Siberia đến Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới với nhu cầu khí đốt đang gia tăng.
Bán đảo Yamal vốn là nguồn cung khí đốt chính cho châu Âu, nhưng do những căng thẳng gần đây, Nga đã giảm nguồn cung sang châu Âu.
Ý tưởng này đã được thúc đẩy khi những đoạn đường ống đầu tiên thuộc dự án Power of Siberia, hiện đang vận hành, được lắp đặt tại khu vực phía Đông Yakutia của Nga vào năm 2014.
Đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia dài 3.000 km từ Siberia đến tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc.
Theo bản đồ của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, tuyến đường ống mới, Power of Siberia 2, dự kiến sẽ chạy qua vùng phía Đông của Mông Cổ đến khu vực Nội Mông, ở phía Bắc Trung Quốc, khá gần các trung tâm lớn đông dân cư như thủ đô Bắc Kinh.
Năm 2020, Gazprom đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của dự án, và đang đặt mục tiêu bắt đầu cung cấp khí đốt cho khách hàng qua đường ống mới này vào năm 2030.
Đường ống Power of Siberia 2 dự kiến dài 2.600 km có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, ít hơn một chút so với đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức.
Phía Nga nói gì?
Ông Novak nói rằng Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký kết một thỏa thuận cung cấp "50 tỷ mét khối khí đốt" mỗi năm thông qua dự án đường ống Power of Siberia 2 đang được thảo luận.
Moskva kỳ vọng dự án đường ống Power of Siberia 2 sẽ thay thế Nord Stream 2 đang bị "treo" vô thời hạn do những căng thẳng ở châu Âu.
Ông Novak cho biết lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 50 tỷ mét khối trong năm 2022. Trong khi đó, vị Bộ trưởng Năng lượng Nga tiết lộ rằng Gazprom đang có kế hoạch tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc lên 20 tỷ mét khối/năm.
Phía Mông Cổ phản ứng ra sao?
Theo Reuters, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh hôm 15/9 cho biết ông ủng hộ việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga đến Trung Quốc thông qua nước này. Ông Khurelsukh cũng nói thêm rằng cần nghiên cứu tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật của đường ống này.
Trước đó, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai trả lời báo Financial Times vào tháng 7 rằng ông dự kiến Nga sẽ bắt đầu xây dựng tuyến đường ống Power of Siberia 2 trong vòng hai năm tới, tuy nhiên lộ trình chính thức vẫn chưa được quyết định.
Theo Reuters, tập đoàn Gazprom của Nga đã và đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia theo hợp đồng trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm, được khởi động vào cuối năm 2019.
Power of Siberia dự kiến cung cấp 16 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong năm nay, và sẽ tiếp tục tăng cho đến khi đạt công suất tối đa là 38 tỷ mét khối vào năm 2025.
Tháng 2/2022, Bắc Kinh cũng đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga. Lượng khí đốt này sẽ đường vận chuyển thông qua một đường ống mới xuyên Biển Nhật Bản đến tỉnh Hắc Long Giang, ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, với công suất đạt 10 tỷ mét khối/năm vào khoảng năm 2026.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đàm phán về một đường ống mới - Đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc - để nhập khẩu 25 tỷ mét khối khí đốt/năm từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan.
Ngoài khí đốt, Trung Quốc còn có các hợp đồng dài hạn với Mỹ, Qatar và các tập đoàn dầu mỏ toàn cầu để nhập 42 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)/năm, được vận chuyển trên các tàu chở dầu. Hầu hết các chuyến hàng sẽ bắt đầu cập bến Trung Quốc trong năm tới, Reuters cho biết.
Một chuyên gia giấu tên công tác trong ngành năng lượng ở Bắc Kinh cho biết: "Về cơ bản, dự án Power of Siberia 2 sẽ khó đi vào vận hành trước năm 2030 vì Trung Quốc đã đảm bảo đủ nguồn cung cho đến thời điểm đó. Quá trình đàm phán dự kiến sẽ rất phức tạp và có thể mất nhiều năm..."./.
Theo Hồng Anh