"Liều thuốc” chữa bệnh trì trệ cho nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone

Chia sẻ Facebook
24/01/2024 03:57:08

Tăng trưởng GDP của Italy sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024. Để vượt qua các thách thức và tránh rơi vào tình trạng trì trệ, quốc gia Nam Âu còn nhiều việc phải làm.


Giống như phần còn lại của châu Âu nói chung và khu vực đồng Euro (Eurozone) nói riêng, Italy sẽ tăng trưởng chậm lại hơn nữa vào năm 2024, với lạm phát tăng, khủng hoảng nhập cư dai dẳng, thị trường lao động yếu, và bối cảnh toàn cầu ảm đạm khi các cuộc xung đột ở Đông Âu và Trung Đông vẫn tiếp diễn và căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ.


Năm 2024 cũng bắt đầu với việc Italy đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G7 chuyển giao từ Nhật Bản. Những thách thức cả trong và ngoài nước hiện nay báo hiệu năm 2024 có thể là một năm khó khăn với nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone.


Những thách thức quan trọng


Theo Liên đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) – Hiệp hội Doanh nghiệp chính của đất nước, quốc gia Nam Âu phải đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế trong nửa đầu năm 2024 khi thương mại và xuất khẩu gặp rủi ro và hoạt động công nghiệp yếu kém.


Năm 2024 “bắt đầu với việc giảm mạnh vận tải hàng hải ở khu vực kênh đào Suez”, Confindustria cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 20/1, cho thấy những căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến tuyến hàng hải quan trọng bị tái định hình.


Ngoài ra, niềm tin sản xuất công nghiệp và kinh doanh đã giảm vào cuối năm 2023, và tình hình ở Biển Đỏ cùng những rắc rối kéo theo trong chuỗi cung ứng chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, tổ chức nghề nghiệp này cho biết thêm.


Trong khi đó, các vấn đề tài chính có thể vẫn là một trong những thách thức quan trọng nhất của Italy trong năm nay, khi nền tài chính công của nước này vẫn trong tình trạng bấp bênh. Italy cần nhiều lao động hơn cho các ngành công nghiệp khác nhau nhưng nỗ lực tăng cường lao động từ bên ngoài đất nước có thể sẽ bị cản trở do ảnh hưởng của phe cực hữu ngày càng gia tăng.

Trái cây và rau quả bày bán tại một khu chợ đường phố truyền thống ở Palermo, Sicily, Italy. Ảnh: The Guardian


Trong dự báo mới nhất của mình hôm 19/1, Ngân hàng Trung ương Italy (BdI) ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, giảm xuống 0,6% từ mức 0,7% vào năm 2023. Lạm phát – một yếu tố tác động trực tiếp và đáng kể đến người tiêu dùng, đã giảm xuống một chút nhưng dự kiến vẫn sẽ tăng một lần nữa lên trên ngưỡng 2%.


Lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, vẫn ở mức 3,1%, theo số liệu được công bố vào tháng 12 năm ngoái. Các biện pháp được đưa ra nhằm hạn chế tác động của việc tăng giá năng lượng – chẳng hạn như mức thuế VAT 22% đối với khí đốt – đang được dỡ bỏ, từ đó nguy cơ một đợt lạm phát khác bùng phát là rất lớn.


Đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, đã giảm mạnh vào năm 2023 và theo GlobalData, nó sẽ còn giảm thêm 8,6% trong năm nay, cùng với tình trạng việc làm và giấy phép cư trú giảm. Một tác động khác có thể xảy ra là sự suy yếu của thị trường lao động.


Các nhà phân tích tại Fitch Solutions dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ đạt 8,5% vào cuối năm 2024, so với mức 7,6% trong quý II/2023 tại Italy. Mức độ việc làm giảm và tăng trưởng tiền lương chậm lại dự kiến sẽ gây thêm áp lực cho người tiêu dùng và chi tiêu của họ.


Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây nguy hiểm cho bối cảnh kinh tế xã hội của Italy. Quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải đã hứng chịu lũ lụt thảm khốc trong năm 2023. Là năm thứ hai chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thường làm thời tiết ấm hơn, năm 2024 có thể mang đến những thách thức về khí hậu cho Italy trong các lĩnh vực chính là y tế, năng lượng và thực phẩm.


"Liều thuốc” cho tăng trưởng


Đầu tháng này, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết bà nhìn thấy cơ hội để nền kinh tế của đất nước tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay. Nhưng bà Meloni đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng thấp, điều khiến bà gặp khó khăn hơn trong việc giảm gánh nặng nợ khổng lồ.


Để vượt qua các thách thức, tránh rơi vào tình trạng trì trệ và tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong dài hạn, Italy được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị áp dụng các thay đổi về thuế, giải quyết vấn đề tài sản và tiêu dùng, cũng như tiến hành cải cách hệ thống hưu trí và hỗ trợ việc làm cho thanh niên và phụ nữ.


Trong báo cáo về cuộc khảo sát định kỳ kinh tế Italy, phiên bản tháng 1/2024, OECD nhấn mạnh sự cần thiết Italy phải thay đổi lộ trình chi tiêu công, vốn đã lên tới khoảng 140% GDP – mức cao thứ 3 trong số các nước thành viên OECD. Tăng trưởng dài hạn có thể bị cản trở bởi chi phí ngày càng tăng do nợ công cao.


OCED tin rằng ngân sách tương lai của Italy, bắt đầu từ năm 2025, cần duy trì sự cân bằng thận trọng giữa việc cắt giảm chi tiêu vốn không giải quyết được tăng trưởng dài hạn và đưa nợ vào con đường thận trọng hơn. “Cần phải kiềm chế tăng trưởng chi tiêu, nhưng đồng thời, đầu tư công cũng cần được bảo vệ để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tăng trưởng”, báo cáo của OECD nêu rõ.

Nhóm G7 bao gồm Pháp, Anh, Đức, Canada, Mỹ, Nhật Bản và Italy. Ảnh: The Diplomatic Affairs


Để giảm chi phí dài hạn, OECD khuyến nghị Italy cải cách hệ thống hưu trí, đặc biệt là giảm áp lực chi tiêu từ những người nghỉ hưu có thu nhập cao và cắt giảm chi phí hành chính. Tổ chức có trụ sở tại Paris cũng khuyến nghị áp dụng các cải cách để nâng cao chất lượng dịch vụ công.


Về mặt doanh thu, việc chuyển thuế từ lao động sang tài sản và tiêu dùng sẽ bảo vệ nguồn thu từ thuế, đồng thời làm cho hệ thống trở nên thân thiện hơn với tăng trưởng.


Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng ca ngợi những cải cách tư pháp dân sự và hành chính công đang diễn ra, cho biết chúng sẽ giúp nâng cao đầu tư kinh doanh và năng suất. Tuy nhiên, cơ quan này khuyến nghị quốc gia Nam Âu giảm bớt các rào cản pháp lý hơn nữa để giúp các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và tăng cường cạnh tranh.


Việc làm đang tăng đều đặn trong nước do tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao và sự tham gia thị trường lao động của nữ giới thấp. OECD tin rằng Italy có thể làm nhiều hơn nữa để cải thiện các con số.


Theo tổ chức gồm 38 thành viên, các biện pháp khắc phục có thể bao gồm giáo dục và đào tạo, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục mầm non công lập và khuyến khích cha mẹ nghỉ phép .


Minh Đức (Theo Euronews, Bloomberg)

Chia sẻ Facebook