Liệu lạm phát gia tăng và chỉnh đốn thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng ngành ngân hàng?
Ngay từ đầu năm, khi đề cập đến triển vọng ngành ngân hàng cụm từ lạm phát đã là một yếu tố khiến rất nhiều người quan ngại. Giờ đây, ngành ngân hàng còn phải thêm nỗi lo nắn lại dòng vốn tín dụng và trái phiếu bất động sản. Liệu sắp tới ngành ngân hàng sẽ thế nào?
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng công ty chứng khoán MB (MBS), hiện lạm phát Việt Nam có xu hướng tăng lên theo bối cảnh chung của thế giới.
Chuyên gia cho rằng bên cạnh yếu tố chi phí đẩy làm tăng giá các loại hàng hóa cơ bản gia tăng trên thị trường toàn cầu, sức cầu gia tăng sau khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại cũng là tác nhân làm lạm phát tăng lên.
Lạm phát sẽ tác động ra sao tới các ngân hàng
Đối với ngành ngân hàng, lạm phát tăng lên có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Theo khảo sát, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ. Việc này có thể khiến các ngân hàng có năng lực huy động thấp hơn bình quân hệ thống chịu áp lực cao hơn. Còn đối với các ngân hàng lớn thì ảnh hưởng không nhiều.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đang có tỷ lệ CASA rất cao. Điều này cũng sẽ góp phần trung hòa các tác động từ việc tăng lãi suất huy động, giúp các ngân hàng duy trì được biên lợi nhuận tốt.
Nhìn chung, áp lực lạm phát đã và đang gia tăng có thể nói là một thách thức cho công tác điều hành kinh tế của các cơ quan điều hành và quản lý. Đại diện Tổng cục Thống kê cũng đã đề từng cập rằng áp lực lạm phát đang gia tăng trong năm 2022 và việc giữ được lạm phát mục tiêu dưới 4% là nhiệm vụ tương đối khó khăn và thách thức.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều kinh nghiệm trong điều tiết giá cả trong các năm qua. Vì thế, dư địa để khống chế được lạm phát trong tầm kiểm soát và đảm bảo cân đối vĩ mô là vẫn còn.
Tác động của tín dụng bất động sản chậm lại và siết trái phiếu doanh nghiệp
Về hoạt động tín dụng, ông Hoàng Công Tuấn cho biết, cho vay bất động sản đang chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong toàn bộ dư nợ hệ thống. Vì thế khi tăng trưởng tín dụng bất động sản chậm lại ngành ngân hàng cũng sẽ chịu một số tác động nhất định.
Thời gian tới, các ngân hàng còn dư địa cho vay bất động sản thì vẫn có thể tiếp tục cho vay. Song các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động này ngay từ quý I sẽ có những biện pháp hạ nhiệt
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng dư nợ cho mỗi lĩnh vực bất động sản mà còn từ các ngành nghề khác. Khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, du lịch, dịch vụ… cũng sẽ phục hồi trở lại và nhu cầu vốn cho các lĩnh vực này sẽ gia tăng theo sau đó.
Đối với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia, các động thái của cơ quan quản lý gần đây không phải siết chặt mà là đang rà soát kiểm tra lại để đảm bảo an toàn hệ thống.
Các chỉ đạo chấn chỉnh thị trường của chính phủ thời gian vừa qua thực tế là để nhằm điều hướng lại dòng vốn. Các động thái này là đúng đắn và kịp thời, khi mà nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu vốn từ các hoạt động sản xuất dịch vụ tăng lên. Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng sẽ phải điều chỉnh cơ cấu tín dụng để có thể tận dụng tốt nhất các định hướng chính sách này.
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, nhìn chung, năm nay các ngân hàng sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận và vẫn có những ngân hàng có triển vọng khá khả quan. Tuy nhiên, mức độ chọn lọc cũng cao hơn rất nhiều và mức tăng trưởng cao chỉ nằm ở một số ngân hàng có năng lực huy động tốt và khả năng tăng trưởng tín dụng cao.
Theo Hoà An
Nhịp sống kinh tế