Liệu Elon Musk có thể xoay xở với hàng loạt rắc rối?

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 10:58:56

Tỷ phú giàu nhất thế giới có thể rơi vào cuộc chiến pháp lý dài hơi với Twitter. Trong khi đó, cả Tesla và SpaceX đều đang gặp rắc rối.


Theo Wall Street Journal, hôm 12/7, Twitter đã kiện Elon Musk - CEO Tesla - tại tòa án Delaware để buộc ông tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua lại trị giá 44 tỷ USD .

Đó là thể là khởi đầu cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều tháng, thậm chí lâu hơn. Rắc rối diễn ra khi Musk đang xoay xở với những khó khăn của Tesla và SpaceX.

Vào quý II, lần đầu tiên trong hơn 2 năm, Tesla ghi nhận lượt giao xe lao dốc trong 2 quý liên tiếp. Phần lớn nguyên nhân là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và việc nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa vì làn sóng dịch Covid-19.

Twitter kiện Elon Musk sau khi vị tỷ phú đổi ý không muốn mua nền tảng này. Ảnh: Reuters.


Ngăn Tesla phá sản

Mới đây, Musk thừa nhận rằng ông đang cố ngăn hãng xe điện phá sản. "2 năm qua là một cơn ác mộng vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Hết chuyện này đến chuyện kia xảy ra", CNN dẫn lời CEO Elon Musk của Tesla.

Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã phải đóng cửa trong nhiều tuần. Kể từ tháng 3, Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, Thượng Hải - thành phố có 25 triệu cư dân - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla sản xuất khoảng 2.100 ôtô mỗi ngày. Sản lượng quý I là 182.174 xe.

Ngoài ra, Musk còn tiết lộ việc mở cửa 2 nhà máy ở Texas và Đức đã khiến hãng xe điện thiệt hại hàng tỷ USD. Bởi những vấn đề trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng của các nhà máy này.

Vào quý II, Tesla ghi nhận lượt giao xe lao dốc trong 2 quý liên tiếp. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/6, CEO Tesla mô tả 2 nhà máy ở Berlin và Texas chẳng khác gì "những âm thanh ghê rợn đang đốt rất nhiều tiền". "Chúng tôi tốn nhiều chi phí nhưng sản lượng gần như bằng 0", ông chia sẻ.

Hiện, 2 nhà máy chỉ sản xuất một lượng nhỏ ôtô vì gặp khó trong việc thúc đẩy sản xuất pin 4680 khi công cụ sản xuất loại pin này bị mắc kẹt tại một cảng của Trung Quốc.

Pin 4680 là thành phần chính giúp lưu trữ và cung cấp năng lượng cho xe điện Tesla.

Việc khánh thành các nhà máy mới từng được kỳ vọng sẽ bù đắp tình trạng thiếu hụt sản xuất trong những tháng qua, nhất là khi hoạt động của nhà máy ở Thượng Hải bị gián đoạn vì các đợt phong tỏa.

Hôm 13/7, ông Andrej Karpathy - Giám đốc điều hành mảng trí tuệ nhân tạo (AI) của Tesla - đã thông báo sẽ rời khỏi hãng xe điện.


SpaceX gặp trở ngại

Rắc rối không chỉ xảy ra với Tesla. Năm ngoái, Musk cảnh báo rằng nếu một cuộc suy thoái toàn cầu làm cạn kiệt nguồn vốn và thanh khoản, trong khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX đang tiêu tốn hàng tỷ USD cho chương trình tên lửa Starship và dịch vụ băng thông rộng vệ tinh, khả năng phá sản hoàn toàn có thể xảy ra.

Năm ngoái, SpaceX là công ty cung cấp dịch vụ phóng tên lửa bận rộn nhất thế giới. Công ty xử lý cả những chuyến bay của con người vào vũ trụ và các sứ mệnh vệ tinh.

Tỷ phú giàu nhất thế giới muốn thực hiện những sứ mệnh đầy tham vọng. Một trong số đó các chuyến du hành đưa con người lên Hỏa tinh.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) cũng chọn SpaceX để phát triển tàu đổ bộ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025.

Musk đã đến thăm một cơ sở phóng tên lửa của SpaceX ở Texas sau vụ nổ tên lửa diễn ra khi thử nghiệm động cơ hôm 11/7.

"Chà, thực sự không tốt", ông Musk viết trên Twitter về vụ nổ tên lửa. Ông cho biết đội ngũ của SpaceX đang tiến hành đánh giá thiệt hại. Đế của bệ phóng vẫn phát ra âm thanh dù đã được tắt với lý do an toàn.

"Thiệt hại có vẻ không lớn, nhưng chúng tôi cần kiểm tra mọi động cơ", Musk viết.

SpaceX đang đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc phát triển Starship. Ảnh: Reuters.

Theo ông Jeffrey Hoffman - cựu phi hành gia, giáo sư kỹ thuật hàng không tại Viện Công nghệ Massachusetts, SpaceX đang đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc phát triển Starship. "Việc vận hành song song 33 động cơ tên lửa cùng lúc là vấn đề lớn", ông bình luận.

Tháng trước, Musk thông báo Starship sẽ sẵn sàng phóng trong tháng 7 sau khi được Cục quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép.

Hôm 3/7, SpaceX chia sẻ ảnh chụp tổ hợp động cơ Raptor gần hoàn thiện trên Booster 7 (33 động cơ) và nguyên mẫu Starship S24 (6 động cơ). Tuy nhiên, sự cố ngày 12/7 có thể khiến vụ phóng của Starship phải lùi lại.

SpaceX và các công ty vệ tinh khác cũng rơi vào cuộc chiến pháp lý với Dish Network Corp. và một số công ty khác. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đang nghiên cứu những quy định mới về tần số vô tuyến được các công ty vệ tinh sử dụng để truyền tín hiệu.

Thêm vào đó, Musk thừa nhận lạm phát tăng cao đang đè nặng lên cả Tesla và SpaceX. Một số nhà cung cấp đã nâng giá 20-30% cho các bộ phận.

Trong tháng 6, Musk cũng công bố kế hoạch ngưng tuyển dụng mới và cắt giảm 10% lực lượng lao động tại Tesla.

Hôm 19/6, 2 cựu công nhân đã đâm đơn kiện Tesla sau khi bị chấm dứt hợp đồng với nhà máy của hãng ở Sparks (bang Nevada). Theo đơn kiện, 500 nhân viên lao động của nhà máy đã bị chấm dứt hợp đồng mà không được thông báo trước. Hồi đầu tháng 6, khi tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự, Musk thừa nhận rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế.


(Theo Zing)

Chia sẻ Facebook