Liệu động vật có nhận thức được cái chết?

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 15:07:51

Đằng sau những hành vi kỳ lạ của động vật là một áp lực chọn lọc tự nhiên để tiến hóa.

Bất cứ khi nào một con chồn opossum cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ chơi trò giả chết. Con chồn lăn kềnh ra đất, cuộn mình lại trong tư thế co ro. Nó mở trừng mắt lên, há miệng và thè lè lưỡi. Công việc cần làm sau đó chỉ là bất động, không phản ứng với bất cứ thứ gì xảy ra với thế giới xung quanh.

Cũng chính trong khoảng thời gian đó, phía trong cơ thể con chồn diễn ra một quá trình tái tạo cái chết còn tinh tế hơn. Thân nhiệt nó giảm xuống, nhịp thở và cả nhịp tim đều sụt giảm nghiêm trọng. Lưỡi của con chồn bình thường có màu hồng nhạt thì giờ tái xanh lại.

Các cơ vòng của nó ở đường tiết niệu và hậu môn giãn ra, đùn nước tiểu và phân thừa ra khỏi hậu môn để khuyếch đại một mùi hôi thối nồng nặc. Đến nước này, chỉ nhìn bằng mắt thường ở khoảng cách mà mùi thối đó ngăn cản bạn tiếp cận với con chồn, nó thực sự đã khoác lên mình một vỏ bọc của xác chết.

Chỉ có điều bên trong vỏ bọc đó, con chồn vẫn trừng mắt và kiên nhẫn chờ đợi.

Tất cả các giác quan của nó vẫn mở rộng để nhận thức môi trường xung quanh, hướng về phía một con sói đồng cỏ đang lùng sục thức ăn. Hóa ra sự xuất hiện của con sói này chính là lý do mà con chồn opossum lăn kềnh ra giả chết.

Đặc điểm của sói đồng cỏ là nó chỉ ăn thịt tươi sống chứ không bao giờ ăn xác chết đã rối rữa lâu ngày. Màn kịch của con chồn opossum cuối cùng đã đánh lừa được kẻ săn mồi. Nó đợi con sói đi xa hẳn thì bắt đầu cựa dậy, chỉnh trang và tiếp tục làm những gì mà nó phải làm trong ngày.

Một lần nữa, chiến lược giả chết đã tỏ ra hiệu quả.

Bất chấp màn trình diễn ngoạn mục, không ai có thể biết dưới góc nhìn của con chồn opossum, nó có ý định giả chết thật hay không? Nếu con chồn không có khái niệm về cái chết, hành vi của nó có thể chỉ là một bản năng tự động. Biết đâu trong ý nghĩ của mình, con chồn chỉ lăn ra và cố tình đóng giả một tảng đá.

Mặc dù giả định này có thể đúng, chúng ta đã sai khi đánh giá thấp nhận thức về cái chết của các loài động vật. Trên thực tế, buổi biểu diễn nhỏ của con chồn opossum này chính là một trong những bằng chứng tốt nhất mà các nhà khoa học có được về khái niệm cái chết bên trong bộ não của các loài thú.



Khi con chồn opossum này giả chết, nó xứng đáng là một nghệ sĩ

Con người từ lâu đã tự cho mình là loài động vật duy nhất có khái niệm về cái chết. Cái chết được đặt ngang hàng với văn hóa, lý trí, ngôn ngữ và đạo đức – là những thứ mà chỉ con người mới có. Những đặc điểm này tách chúng ta ra khỏi thế giới tự nhiên, biện minh cho chúng ta có quyền sử dụng và khai thác tự nhiên một cách vô hạn.

Tuy nhiên, việc đặt chính giống loài của mình lên cao có thể chỉ là hệ quả của việc phức tạp hóa những khái niệm, một quá trình diễn ra trong não bộ mà chúng ta nghĩ các loài động vật khác không thể nhận thức được.

Chẳng hạn như với cái chết. Chúng ta nghĩ một con vật không biết hô hấp nhân tạo, không biết khóc tiếc thương, không biết làm đám tang và xoa dịu nỗi đau của nó bằng việc tưởng tượng ra những thế giới bên kia, chúng ta nghĩ động vật không thể nhận thức sâu sắc về cái chết.

Mặc dù vậy, khái niệm cái chết của con người không nhất thiết là khái niệm duy nhất về cái chết có trong tự nhiên, là thứ mà các loài động vật khác cũng phải dùng chung với họ. Ở mức độ đơn giản nhất, cái chết được cấu thành từ chỉ 2 thành tố: sự bất hoạt và không thể đảo ngược.

Một loài động vật chỉ cần hiểu được hai khái niệm đó, nó sẽ có khả năng hiểu về cái chết. Sự bất hoạt là trạng thái bất động, không thể đi đứng, không thể động đậy, không còn có thể chạy nhảy, kiếm ăn, giao phối…

Không thể đảo ngược có nghĩa là sự bất hoạt đã diễn ra thì nó sẽ diễn ra vĩnh viễn như vậy. Dù cho con vật có chờ đợi một lúc, một vài lần mặt trời lên rồi mặt trời lặn, con vật cũng không thể động đậy trở lại.

Khái niệm tối thiểu về cái chết này đòi hỏi rất ít sự phức tạp về mặt nhận thức, nên có khả năng nhiều loài động vật trong thế giới tự nhiên cũng sẽ hiểu được chúng. Lấy ví dụ như hành vi giả chết của con chồn opossum hẳn là một minh chứng tuyệt vời cho điều đó.


Các nhà khoa học gọi nó là thanatosis, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là " cái chết ". Nhưng việc con chồn giả chết không có nghĩa là nó biết cái chết là gì, về mặt nào đó thuyết phục hơn, nó có nghĩa những kẻ săn mồi, những loài ăn chồn opossum như sói đồng cỏ, chó ngao, chó, cáo, chim ăn thịt, linh miêu và rắn lớn mới là loài biết cái chết là gì?

Những diễn viên chuyên nghiệp và nghiệp dư


Để thấy được điều này, chúng ta cần bắt đầu bằng cách phân biệt hành vi giả chết thanatosis với một hành vi tương tự trong thế giới động vật được gọi là bất động cứng cơ (tonic immobility) . Bất động cứng cơ cũng được nhiều loài, từ côn trùng cho tới con người sử dụng khi cảm thấy bị đe dọa.

Trong trạng thái tonic immobility bạn sẽ ngừng mọi cử động cơ bắp và đứng im trong một tư thế nhất định. Nó giống như việc giả làm một vật vô tri vô giác. Nhưng khác với hành vi giả chết thanatosis, trong trạng thái bật động cứng cơ, bạn có thể đứng, có thể giơ tay giơ chân, căng các cơ bắp của mình chỉ cần không cử động chúng.

Còn các loài động vật giả chết thanatosis thường nằm bẹp, thả lỏng tất cả cơ bắp và đi kèm nhiều đặc điểm giả chết khác. Chồn opossum có lẽ là loài có hành vi thanatosis phức tạp nhất trong tự nhiên, nhưng nó không phải là loài duy nhất.



Một con chồn opossume bất động cứng cơ thay vì giả chết thanatosis

Một số loài ếch cũng có hành vi giả chết thanatosis. Trong đó, chúng nằm yên và ngừng phản ứng với tất cả các tương tác bên ngoài. Con ếch mở mắt, duỗi cả 4 chân ra mềm nhũn. Lưỡi của nó cũng thè lè ra khỏi miệng trong khi nó thở ra những hơi thở có mùi giống như amoniac.


Rắn Hognose mũi hếch cũng có một màn diễn giả chết tuyệt vời và đầy tính kịch. Trong đó, con vật ban đầu sẽ giãy nảy lên, quằn quại một cách thất thường và hung bạo. Đến cuối cùng, nó giả vờ yếu dần rồi ngửa người lên bất động. Miệng con rắn cũng mở hé, lưỡi rớt xuống một bên hàm. Nó thậm chí còn nhịn thở hoàn toàn.

Một số con rắn sẽ tiếp tục màn hóa trang bằng cách tiết máu ra từ miệng. Bạn có thể dùng gậy chọc vào con rắn, hoặc nhấc bổng nó lên không trung nhưng con rắn cũng sẽ không phản ứng.

Ngược lại, hành vi bất động cứng cơ thường chỉ là một màn trình diễn nghiệp dư. Bạn có thể thấy nó xuất hiện ở cá mập và cá đuối, khi những con vật nằm ngửa bụng, bất động nhưng vẫn còn thở sâu.

Một vài loài vật như côn trùng và thằn lằn cũng đi vào trạng thái bất động cứng cơ, nhưng trên thực tế, bằng mắt thường bạn cũng vẫn thấy tim chúng đập, thậm chí còn đập nhanh hơn bình thường.



Một con rắn mũi hếch bắt đầu màn diễn xuất của nó



Thậm chí bạn có thể cầm con rắn lên, nó diễn sâu đến mức ứa cả máu ra miệng

Cả bất động cứng cơ và giả chết thanatosis đều là những cơ chế phòng thủ bảo vệ con mồi khỏi những kẻ săn mồi. Tuy nhiên về bản chất chúng rất khác biệt, không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở sâu bên trong cơ chế chống lại kẻ săn mồi mà con mồi hướng tới.

Để thấy được điều này, hãy xem xét 4 giai đoạn chính trong cuộc săn mồi điển hình của động vật:

(1) phát hiện ra con mồi; (2) công nhận con mồi là thích hợp để ăn; (3) khuất phục con mồi; (4) tiêu thụ con mồi đó.

Trong khi bất động cứng cơ hoạt động chủ yếu để nhắm vào giai đoạn (1) và (4). Giả chết thanatosis sẽ nhắm vào các giai đoạn (2) và (3). Chúng ta có thể thấy sự đứng yên, bất động sẽ giúp con mồi hòa nhập với môi trường, làm giảm sự chú ý của kẻ săn mồi, đặc biệt khi con mồi có thêm một lớp áo ngụy trang.

Một số động vật ăn thịt chỉ phát triển thị giác phản ứng với chuyển động, do đó, bất động cứng cơ hoạt động bằng cách loại bỏ một kích thích quan trọng có thể thu hút sự chú ý của động vật ăn thịt.

Điều này còn có lợi hơn nữa nếu con mồi sống theo đàn. Việc bất động là để chờ đợi một đồng loại của nó bị thú săn mồi bắt trước, từ đó con thú sẽ từ bỏ mục tiêu tiếp theo vì đã ăn nó.

Ở một số loài động vật, bất động cứng cơ hoạt động như một cơ chế chống tiêu thụ, nghĩa là nhắm vào bước 4. Chẳng hạn một số loài ếch sẽ thu nhỏ người mình lại và bất động, chỉ để chờ con thú đã ăn mình nhè ra sau khi da của nó tiết ra những chất độc có mùi vị khó chịu.

Cơ chế tương tự được một số loài châu chấu áp dụng, nhưng ngược lại đối với chính loài ếch. Nếu một con châu chấu cố gắng mở rộng cơ thể nó, giương tất cả các càng và chân sắc nhọn ra và bất động, nó sẽ biến thành một cái phi tiêu có ngạnh mà con ếch không thể nuốt chửng được. Lúc này, con ếch sẽ phải nhổ con châu chấu ra và nó sẽ thừa cơ bay đi.

Bây giờ nói đến cơ chế giả chết thanatosis, hành vi này nhắm vào giai đoạn 2 và 3 của quá trình săn mồi, nghĩa là nó sẽ giúp con mồi thể hiện mình như một món ăn tệ, đồng thời trốn thoát khỏi các hành vi khuất phục bạo lực của con thú.

Trong mục đích đầu tiên, rõ ràng là những con mồi đã sử dụng các biện pháp hóa học để kích hoạt cảm giác không ngon miệng đầu tiên ở kẻ săn mồi. Các loài động vật giả chết thanatosis thường kèm theo hành vi đùn phân và nước tiểu ra ngoài. Hoặc như ếch, chúng sẽ thở ra hơi thở có mùi amoniac.

Nhưng nếu chỉ vậy thì chưa đủ để giải thích hành vi hóa trang với cái lưỡi xanh lè và bất động mềm nhũn như xác chết của con opossum. Các nhà khoa học cho biết sự ghê tởm không phải là yếu tố duy nhất mà những con vật giả chết muốn kích hoạt. Nó còn muốn kẻ săn mồi phải ghê sợ trước cái chết của nó.


Có rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các loài động vật giống như chúng ta, bị ám ảnh bởi cái chết. Nó được gọi là nỗi sợ " necrophobia ", giống như bạn sẽ sợ máu, sợ quan tài và sợ tiếng kèn đám ma, những con thú săn mồi cũng sợ những con vật bất động, hôi thối và lè lưỡi vì nguyên nhân bí ẩn, không phải do móng vuốt và răng nanh của chính chúng gây ra.

Các loài thú ăn thịt tươi đều cảm thấy ghê tởm bởi mùi hoặc sự xuất hiện của xác chết, ngay cả khi chúng không hiểu xác chết là gì. Sự ác cảm này phục vụ một chức năng bảo vệ quan trọng đối với sinh vật, vì xác chết là thiên đường cho các mầm bệnh. Nếu con vật ăn hoặc thậm chí đến gần một xác chết, nó cũng có thể bị nhiễm bệnh.



Bạn có thể đưa một con gà vào trạng thái bất động cứng cơ bằng cách vẽ một đường thẳng trước mặt nó

Ở mục đích thứ hai, giả chết thanatosis nhắm tới việc chống lại sự khuất phục của thú săn mồi. Hãy tưởng tượng một con chồn opossum đang cố gắng trốn một con sói đồng cỏ, việc nó lăn ra đất giả chết sẽ tốt hơn là cố gắng chạy để rồi nhận ra tốc độ của mình là không đủ so với sói.

Lúc này, con sói có thể sẽ cắn xé nó để khuất phục con chồn opossum. Điều này có nguy cơ để lại một vết thương lớn so với nằm im và giả vờ đã chết. Một số thú săn mồi có xu hướng đối xử tương đối nhẹ nhàng với con mồi, thậm chí thả và vờn mồi trước khi kết liễu chúng.

Một số thì sẽ nhớ vị trí xác chết con vật và tiếp tục cuộc săn những con vật khác sau đó mới quay lại thu nhặt chúng. Do đó, chiến thuật giả chết thanatosis đều sẽ có ích trong những tình huống này. Con mồi vừa có thể bảo toàn sự nguyên vẹn của cơ thể chúng, lại vừa có thể lẩn hoặc chạy đi khi có cơ hội con thú săn không để ý.

Dưới bàn tay của tiến hóa

Chúng ta trở lại định nghĩa tối thiểu về cái chết mà một động vật có thể nhận thức: sự bất hoạt và không thể đảo ngược. Khi một con thú săn nhìn thấy con mồi trong trạng thái thanatosis, nó có thể lầm tưởng con mồi đã chết dựa trên:

Sự tĩnh lặng, giảm chức năng sinh lý, thiếu phản ứng và các hành vi tương tự tạo ra ảo giác về sự vắng mặt của các chức năng quan trọng của cơ thể. Nghĩa là con thú đã thực sự bất hoạt.

Trong khi đó, máu, mùi thối, lưỡi xanh và các dấu hiệu khác nhằm ám chỉ rằng sự bất hoạt này không thể được phục hồi, không giống như điều mà chúng ta có thể tìm thấy ở một người đang ngủ hoặc bất tỉnh. Điều đó có nghĩa là con thú đã chết và nó chết vĩnh viễn.

Đằng sau nhiều hành vi mà động vật thể hiện đều phải có ít nhất một áp lực chọn lọc tự nhiên, điều này để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiến hóa của chúng. Đôi khi, những áp lực lựa chọn này nằm ở phía cách những kẻ săn mồi của chúng hình dung thế giới bên ngoài. Điều này lại quyết định cơ hội một con mồi có thể sống sót đủ lâu để di truyền gene của chúng hay không.

Vì vậy ở đây, có thể chính những con chồn opossum không biết rằng chúng đang giả chết. Bản thân khả năng nhận biết cái chết của những kẻ săn chúng, chẳng hạn như sói đồng cỏ mới là áp lực chọn lọc khiến chồn opossum có hành vi giả chết thanatosis của mình.

Những con bọ que cũng vậy, chúng không cần phải soi gương để biết bản thân chúng có hình dáng của một cành cây. Nó chỉ cần nghe theo tiếng nói tổ tiên đã mách bảo, đứng yên khi gặp một loài thú ăn thịt. Sau đó, ngoại hình mà chính tổ tiên chúng truyền lại sẽ phù hộ cho con bọ que sống sót.

Tuy nhiên, nếu những con bọ que đã tiến hóa để có được ngoại hình và bản năng bất động cứng cơ, thì những kẻ săn chúng làm con mồi chắc chắn cũng đã phát triển một niềm tin sai lầm rằng những con bọ này là cành cây thật, và chúng thì không muốn ăn một cành cây khô khốc.

Trong suốt lịch sử tiến hóa của chúng, tổ tiên của những loài côn trùng trông giống cành cây này sẽ có ít nguy cơ bị kẻ thù ăn thịt hơn. Và do đó, càng có ngoại hình giống cành cây thì chúng càng có nhiều cơ hội sinh sản hơn. Cuối cùng, những gene biểu hiện ra vẻ bề ngoài giống với cành cây sẽ được di truyền lại cho tất cả con cháu của chúng.

Trở lại với những nghệ sĩ giả chết trong thế giới động vật, bất kể lịch sử tiến hóa cụ thể nào đã làm phát sinh hành vi thanatosis này, điều này cũng mở ra cho chúng ta một cánh cửa sổ để nhìn vào tâm trí của những kẻ săn mồi.

Thanatosis cho chúng ta thấy rằng vì bất cứ lý do gì, những kẻ săn mồi cũng sẽ không muốn ăn thịt những con vật mà chúng nghĩ rằng đã chết. Trong suốt lịch sử tiến hóa của mình, những con chồn opossum có khả năng bắt chước xác chết giống hơn thì sẽ có cơ hội sống cao hơn. Do đó, khi chúng sinh sản, các gene diễn xuất của chúng cũng sẽ được di truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

Vì vậy, bất kỳ lời giải thích nào về chức năng bảo vệ của hành vi thanatosis cũng sẽ đi tới một kết luận, rằng động vật có khả năng nhận biết cái chết, nếu không phải chính những con chồn opossum thì cũng là những con sói đồng cỏ đang săn chúng.

Ngoài hành vi thanatosis, cũng có những lý do khác cho thấy động vật ăn thịt biết cái chết là gì? Chúng có một động cơ tinh thần mạnh mẽ để chú ý đến khoảnh khắc một con mồi chết. Bởi trong cuộc đi săn đó, cái chết của con mồi đại diện cho hai thái cực:

Một là nó đã trở thành thức ăn có thể ăn được, hai là nó đã không còn sống để tiếp tục là một mối nguy hiểm nữa (vì nhiều loài động vậtđược trang bị sừng hoặc móng guốc sắc nhọn, hoặc sẽ phản ứng quyết liệt trước nỗ lực khống chế của kẻ săn mồi).

Trong suốt cuộc đời một con thú săn mồi, nó đã chứng kiến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn cái chết của con mồi để có thể hiểu thế nào là sự bất hoạt không thể đảo ngược, những đặc trưng cơ bản của cái chết.

Nói tóm lại, khái niệm về cái chết không chỉ là một chiến công duy nhất của loài người. Nó có thể là một đặc điểm khá phổ biến trong vương quốc động vật. Con người chúng ta thường nghĩ về mình như một loài độc nhất vô nhị nhưng bây giờ là lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về điều đó.

Chủ nghĩa ngoại lệ của con người chính là thứ tách biệt chúng ta với tự nhiên, khiến chúng ta tự cho mình quyền khai thác tự nhiên để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Xóa bỏ được điều đó, con người mới có được ý thức bảo vệ thiên nhiên và tôn trọng môi trường sống của các loài động vật khác.

Chia sẻ Facebook