Liệu đã qua thời kỳ chính phủ Trung Quốc siết chặt lĩnh vực công nghệ?

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:41:21

Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang tận dụng ngành công nghiệp công nghệ để hồi sinh nền kinh tế.


Theo Bloomberg, Phó Thủ tướng Liu He, trợ lý kinh tế cấp cao nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ quá trình phát triển và niêm yết công khai của các công ty công nghệ. Nhà sáng lập Baidu Robin Li, Zhou Hongyi của Qihoo 360 Technology và Giám đốc NetEase William Ding là 3 trong số những cái tên được ông Liu He nhắc tới.


Phát biểu trên được đưa ra trong một hội nghị được tổ chức bởi Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, trong đó, ông Liu He nêu rõ mối quan hệ giữa giới chức đại lục và thị trường “cần được giải quyết ổn thỏa”.


Tuyên bố được giới truyền thông nhà nước đưa tin ngắn gọn, song báo hiệu một chính sách nới lỏng hơn nữa đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc, bao gồm Baidu và Tencent. Trước đó, hồi tháng 3, ông Liu cũng cam kết sẽ xoa dịu thị trường sau khi hủy đợt IPO kỷ lục của Ant Group.


Hồi tháng 4, trong cuộc họp với Bộ Chính trị, chính phủ Trung Quốc cũng cam kết sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng lành mạnh của các công ty nền tảng và đánh giá lại các cổ phiếu công nghệ.


Khi cả nước đang chạy đua khống chế đà lây lan cùng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Trung Quốc đã nhận ra sự hữu dụng của các Big Tech. Trong đó, Alibaba, JD.com hay Meituan đã xây dựng các hệ thống phân phối hiệu quả, giúp các các nhà cung cấp thu mua nhanh gọn sản phẩm tươi từ nông dân và giao đến tay người tiêu dùng.


Chỉ số Công nghệ Hang Seng ngay lập tức tăng tới 6% sau khi giới đầu tư lạc quan rằng chính phủ Bắc Kinh sẽ sớm gỡ bỏ một số hạn chế trước đây. Các cổ phiếu công nghệ tăng vọt trong phiên giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ, trong khi Chỉ số Rồng vàng Nasdaq Trung Quốc chạm mức cao nhất sau 2 tuần.


Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang tận dụng ngành công nghiệp công nghệ, động lực tăng trưởng lớn trong 1 thập kỷ, để hồi sinh nền kinh tế vốn đang vật lộn với những đợt phong tỏa kéo dài. Thực tế, hoạt động kinh tế đại lục đã chịu tác động tiêu cực hồi tháng trước, khi sản lượng công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.


Do đó, tuyên bố mới đây của ông Liu He đã dần tạo dựng niềm tin cho thị trường, nơi hơn 1 nghìn tỷ USD vốn hóa của Tencent và Alibaba bị “bốc hơi’’ sau chiến dịch siết chặt giám sát công nghệ từ cuối năm 2020.


Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn chưa thực sự yên tâm. Họ sợ rằng mối quan hệ giữa Big Tech và Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn dễ chịu, bởi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ vẫn đang lo ngại rằng các tập đoàn công nghệ đã được hưởng lợi quá lâu nhờ chính sách thuế hào phóng.


Bằng chứng là Tencent, dù đã thoát khỏi sự giám sát trực tiếp từ Bắc Kinh, song vẫn không hoàn toàn tự do. Doanh số quảng cáo trực tuyến được dự báo sẽ giảm khoảng 15% trong năm nay, trong bối cảnh phần lớn các công ty bảo hiểm, gia sư trực tuyến và các nhà phát triển trò chơi trở thành nạn nhân của chính sách quản lý riêng biệt.

Phó Thủ tướng Liu He, trợ lý kinh tế cấp cao nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Tuy nhiên, nếu xét trên phương diệu tích cực, sự "kìm kẹp" của chính phủ Trung Quốc lại thúc đẩy các Big Tech tăng trưởng bền vững hơn thay vì thống lĩnh thị trường nhờ vị thế độc quyền như trước.


“Đã có sự thay đổi cơ bản trong câu chuyện tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc. Lĩnh vực này sẽ tập trung vào chất lượng và tăng trưởng bền vững thay vì bành trướng như nhiều năm trước đây. Doanh thu chắc chắn sẽ giảm, trong khi tăng trưởng người dùng cũng giảm tốc khi các tập đoàn chấn chỉnh lại hoạt động mua bán sáp nhập và mở rộng nền tảng để cạnh tranh’’, ông Marvin Chen, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence nói.


Theo: Bloomberg


Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook