"Liệu cơm gắp mắm", đón đầu áp lực, ghìm cương giá cả
Đà giảm giá của xăng dầu, sự chuẩn bị cùng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp được xem là những yếu tố quan trọng giúp bình ổn giá cả trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Thời điểm vàng để giảm áp lực tăng giá cuối năm
Sau khi những số liệu mới nhất về tình hình giá cả tháng 7 được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu đã hạ nhiệt.
Nếu nhìn vào rổ hàng hoá để tính toán chỉ số CPI tháng 7, nhóm tăng giá nhiều nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 1,37%. Tuy nhiên, trái ngược với những tháng trước, thì nhóm giao thông lại là nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm tới 2,85%, nhờ giá xăng dầu hạ nhiệt. Nhờ đó, đây cũng chính là cơ sở để ghìm cương giá cả các loại mặt hàng lương thực, thực phẩm trong thời gian hơn 1 tuần trở lại đây.
Như tại Hà Nội theo ghi nhận, chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá của một số loại thực phẩm tươi sống đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ví dụ như 1kg sườn lợn, giá đã giảm 20.000 đồng so với hai tuần trước; mớ rau cải xanh đã giảm từ 15.000 đồng xuống còn 10.000 đồng...
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, trong chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp khi tham gia chương trình sẽ đăng ký các mặt hàng thiết yếu để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo cân đối cung - cầu khoảng 35% các mặt hàng thiết yếu trên thị trường.
"Các doanh nghiệp bình ổn đang có sự liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, với các cơ sở sản xuất của các tỉnh trên địa bàn TP", bà Lan nhấn mạnh.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận tại một siêu thị, hàng hoá nhu yếu phẩm như mì gói, dầu ăn, thực phẩm, sữa… giảm giá phổ biến từ 10 - 30%. Các sản phẩm tươi sống, rau củ quả… giá cũng đã điều chỉnh giảm, nhiều nhất đến 33%.
"Nếu giảm giá được thì người dân mua đồ dễ dàng hơn, giảm được 10% rồi. Như khi mình mua xà bông, cũng giảm được mấy chục ngàn một chai xà bông rồi", chị Thới Thị Mỹ Linh - Quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Hiện các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để điều chỉnh giá với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu. Tuy nhiên, chi phí đầu vào như nguyên liệu, bao bì… vẫn còn neo ở mức cao cũng tác động không nhỏ đến việc đưa giá hàng hoá thị trường về trạng thái cân bằng.
Tăng cường nguồn cung, đón đầu áp lực tăng giá
Trước đà giảm của các loại hàng hoá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng, việc triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường nguồn cung để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất có thể triển khai ngay thời điểm này, để đón đầu áp lực tăng giá các mặt hàng này dịp cuối năm.
Mặc dù đang sở hữu tổng đàn 4.000 con lợn, nhưng để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán, Hợp tác xã Hoàng Long vừa điều chỉnh cho lợn nái sinh sản tăng thêm 30%, để đảm bảo nguồn cung vào dịp Tết nguyên đán khoảng 100 tấn/tháng. Theo đại diện của hợp tác xã điều này giúp họ không chỉ ổn định được tổng đàn, mà còn ổn định giá bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng
"Từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, đến chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản vận chuyển và cuối cùng là phân phối đến tay người tiêu dùng. Khi làm theo một chuỗi sẽ giúp chúng tôi ổn định hơn", ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết.
Hiện giá lợn hơi ngoài thị trường đang quanh mốc 70 nghìn đồng/kg, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đây là cơ sở để họ có thể tái đàn, đảm bảo tốc độ tăng trưởng đàn lợn cả năm khoảng 4,8%, đảm bảo nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết nguyên đán.
"Chúng ta đã có vaccine dịch tả lợn Châu phi, lở mồm long móng cũng được không chế, giá đầu ra cũng thuận lợi thì tốc độ tăng trưởng đàn lợn cũng sẽ cao", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ liên quan tăng cường rà soát kiểm tra tình hình buôn bán thịt lợn mảnh ở các tỉnh biên giới, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước ổn định.
Doanh nghiệp cần "liệu cơm gắp mắm"
Bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, từ việc đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá cả xăng dầu, hoãn tăng giá giáo dục, y tế, giá điện, kiểm soát chặt chẽ các tình trạng găm hàng, thổi giá nhằm "té nước theo mưa'" thì quan trọng hơn cả, là ý thức và sự đồng hành từ chính cộng đồng doanh nghiệp, cũng là sự sẻ chia với chính khách hàng của mình.
Giá đầu vào có thể tăng, nhưng với nhiều doanh nghiệp giao vận, đây lại chính là động lực để '"liệu cơm gắp mắm", tự cân đối tiết giảm các khoản chi phí.
"Giá cước cố định của chúng tôi không tăng giá, vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khách hàng. Chúng tôi chỉ tăng giá trong 1 vài khung giờ cao điểm. Giai đoạn này doanh nghiệp sẽ phải có khoản chi phí thiết lập dự phòng trước để đối phó", Giám sát vận hành Ahamove Bùi Thị Yến cho biết.
Còn theo bà Chu Thị Quỳnh Anh - Phó Trưởng Ban Dịch vụ Bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong giai đoạn này cần thay đổi, tổ chức lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí nếu cần thiết để đảm bảo hoạt động cung ứng ra thị trường.
Còn với vận tải hành khách, đại diện bến xe Mỹ Đình cho biết, khoảng 90% các nhà xe đang hoạt động tại đây giữ nguyên giá cước kể từ đầu năm đến nay. Khoảng 10% nhà xe có tăng giá, nhưng cho biết là theo kế hoạch đã có từ trước đó, chứ không phải đến lúc xăng dầu tăng giá mới điều chỉnh. Bởi với mức giá xăng khoảng 26.000 đồng như hiện tại, các doanh nghiệp vận tải cho là vừa đủ để cân đối chi phí.
Trong thời gian tới, nếu giá xăng vẫn tiếp tục giảm, thì đây sẽ là cơ sở để các nhà xe tính lại bài toán bình ổn giá cước. Bởi theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, kể từ sau 4 lần xăng dầu giảm giá đến nay, vẫn chưa ghi nhận doanh nghiệp nào kê khai giảm giá.
Trong công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.